Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, vừa được Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc sáng 23/11.

Ông Vũ Huy Hoàng vi phạm về công tác cán bộ

Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ

Đối với lĩnh vực công thương, sau khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thị trường trong nước; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.

Triển khai nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về quản lý thị trường để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; hoàn thành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017, cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô.

Tiếp tục tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu.

Giám sát chặt chẽ Formosa

Giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất.

Rà soát, bảo đảm thực hiện yêu cầu về điều kiện môi trường khi công nhận làng nghề, xây dựng nông thôn mới; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; huy động nguồn lực, tập trung giải quyết dứt điểm tối đa số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Rà soát hoạt động đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã đầu tư, nhất là các nhà máy nhiệt điện than, các dự án sản xuất thép, các dự án ven sông, ven biển; xác định rõ trách nhiệm trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án gây ô nhiễm sau khi đi vào hoạt động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chấn chỉnh khâu thẩm định; kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng việc đánh giá tác động môi trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần