Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và nhiều chức danh chủ chốt khóa XV trong tháng 7/2021

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào ngày 5/8. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Theo dự kiến nội dung Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 5 ngày xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự.

Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa hoàn thành thành chương trình làm việc tại Phiên họp 58, đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay tất cả nội dung để chuẩn bị cho kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV đã được hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc (dự kiến 20/7).
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo triệu tập kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào ngày 5/8. Theo dự kiến, nội dung Kỳ họp thứ nhất gửi đến đại biểu Quốc hội, tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng. Tiếp tục chương trình, sau khi nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quóc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.
Đáng chú ý, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao (theo giới thiệu của T.Ư là 50 nhân sự).
 Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bỏ phiếu bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn
Theo dự kiến nội dung Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 5 ngày xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự. Trong đó, bầu Chủ tịch Quốc hội; bầu các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu Thủ tướng Chính phủ; bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKNDTC.
Công tác nhân sự còn bao gồm việc quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có), Phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.
Tất cả các chức danh lãnh đạo Nhà nước được bầu hoặc phê chuẩn nêu trên là của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (khóa mới).
Trước đó tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (cuối tháng 3 đầu tháng 4/2021), Quốc hội đã tiến hành công tác kiện toàn nhân sự do nhân sự lãnh đạo không tái cử Bộ Chính trị, BCH T.Ư khóa XIII. Theo đó, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội cũng đã bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Những chức danh kể trên được bầu hoặc phê chuẩn là thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021).
 Phiên họp thứ 58 Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Ngoài công tác nhân sự, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV còn có nhiều nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt cho thành công cả nhiệm kỳ. Trong đó, xem xét, quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025… Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021…

Phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 3 (Khóa XIII) vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026), Ban Chấp hành T.Ư có trách nhiệm chuẩn bị và tiếp tục giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ngoài các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước đã được Hội nghị T.Ư 2 khoá XIII giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao, T.Ư cũng nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.