Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội tán thành cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (6/4), Quốc hội đã thông qua Luật Dược (sửa đổi), với 88,06% đại biểu tán thành. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Luật này quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Về vấn đề vẫn gây tranh cãi trong các phiên thảo luận là cấp chứng chỉ hành nghề dược, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Sau khi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội bằng phiếu, Luật quy định chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần trên cơ sở thống nhất của 62,67% đại biểu. Đồng thời với các quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Quanh vấn đề kinh doanh thuốc, Luật cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu đề nghị chỉ quy định khuyến khích các nhà thuốc hoạt động 24/24 giờ và không quy định Giám đốc Sở Y tế phân công nhà thuốc, quầy thuốc bán ban đêm; đề nghị bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên phải tổ chức bán thuốc ban đêm; đề nghị quy định cho phép nhà thuốc được thu một khoản phí khi bán thuốc ban đêm. Quy định khuyến khích các nhà thuốc bán ban đêm do chỉ khuyến khích nên đã không quy định phụ thu trong trường hợp này. Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trở lên phải tổ chức bán thuốc ban đêm.

Về ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép bán thuốc tại siêu thị để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định bán thuốc tại siêu thị là phù hợp với xu thế của thế giới và để tiện lợi cho người dân. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, dự thảo Luật đã quy định siêu thị phải có người phụ trách chuyên môn về dược và chỉ được phép bán các loại thuốc thông thường theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị chỉ những nhà thuốc, quầy thuốc ở các bệnh viện mới được tham gia cấp phát thuốc bảo hiểm y tế, thuốc thuộc chương trình mục tiêu, dự án y tế; nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần quy định có thể mua thuốc bảo hiểm y tế ở tất cả các nhà thuốc khi có đơn thuốc của bác sĩ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự Luật quy định quyền của nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phát thuốc bảo hiểm y tế, thuốc thuộc chương trình mục tiêu, dự án y tế nhằm tạo cơ hội tiếp cận thuốc của người dân, thuận lợi trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tiêu chí nhà thuốc, quầy thuốc được tham gia do các chính sách về bảo hiểm y tế, chương trình mục tiêu và dự án y tế quy định cụ thể.

Trong vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc để giảm giá thuốc; có ý kiến đề nghị trong trường hợp giá thuốc đấu thầu do Bộ Y tế công bố có sự chênh lệch bất hợp lý giữa các địa phương, giữa các bệnh viện thì Bộ Y tế hoặc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét cho phù hợp. Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc vận hành tốt cơ chế đấu thầu thuốc sẽ làm cho các loại thuốc có cạnh tranh gay gắt về giá, tầng nấc trung gian sẽ dần tự triệt tiêu.

Để khắc phục sự chênh lệch về giá giữa các kết quả trúng thầu khi việc đấu thầu thuốc vẫn đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật giá và Luật đấu thầu.