Quốc hội thảo luận một số dự án Luật: Bổ sung để phù hợp với thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và...

Kinhtedothi - Ngày 26/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Nhiều vấn đề được các ĐB quan tâm, phân tích để ban soạn thảo hoàn thiện cho phù hợp với thực tế.

 Đồng tình mở rộng đối tượng áp dụng quy định an toàn lao động

Chiều 26/11, thảo luận về Dự án Luật ATVSLĐ, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc cần các quy định chặt chẽ để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do tai nạn lao động (TNLĐ) ở tất cả các khu vực.
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua các dự án luật. Ảnh: Nguyễn Tấn
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua các dự án luật. Ảnh: Nguyễn Tấn
Theo ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), dự Luật đã mở rộng đối tượng áp dụng các quy định về ATVSLĐ cho tất cả người lao động (NLĐ) là phù hợp với Hiến pháp, bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ, vì hiện có hơn 60% NLĐ đang làm việc trong môi trường không có quan hệ lao động. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn cần những quy định cụ thể, xác thực hơn để đảm bảo tính khả thi. ĐB Hà Thị Vân (đoàn Thanh Hóa) cũng nhận định: Tình trạng TNLĐ diễn ra phức tạp ở khu vực nông lâm nghiệp, làng nghề do NLĐ ít được tập huấn, ít có kiến thức về phòng ngừa: Các thống kê đưa ra những con số rất báo động khi chỉ 9,3% nắm được kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Nhưng những quy định mà Dự Luật đưa ra khiến ĐB băn khoăn tính khả thi bởi thiếu những cơ chế ràng buộc để chủ lao động, NLĐ phải tham gia tập huấn hoặc cập nhật các kiến thức phòng ngừa.

Nhận định sức khỏe cho NLĐ là rất quan trọng, ĐB Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) nhận xét: Thời gian qua, khi xảy ra TNLĐ ở cơ sở, người sử dụng lao động thường tìm cách giấu diếm giải quyết, do vậy ở cấp cơ sở cần tăng cường điều tra TNLĐ. Nên cho phép công đoàn cơ sở ở nơi xảy ra vụ tai nạn chết người được phép tham gia vào đoàn điều tra. "Luật đưa câu " các tổ chức đại diện tập thể lao động", theo tôi, nên ghi thẳng là tổ chức công đoàn" - ĐB đề xuất. Đồng thời cho rằng, cần nghiên cứu tăng chương trình về đào tạo ATVSLĐ trong các trường ĐH. ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì đề nghị, nên đưa thêm trách nhiệm của Bộ Y tế vào trong Dự Luật, bởi nếu chỉ riêng Bộ LĐTB&XH là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chính sẽ không "đủ sức". Đồng thời, đề nghị Nhà nước dành kinh phí thích đáng để tư vấn, tuyên truyền cho các đối tượng không có quan hệ lao động hiểu về tác dụng, hiệu quả của các biện pháp ATVSLĐ.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung diện hưởng chính sách về TNLĐ cho những người có hành động dũng cảm cứu người nhưng gặp tai nạn.

Quy định rõ trách nhiệm của kiểm toán viên

Sáng cùng ngày, khi thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước - KTNN (sửa đổi), nhiều ĐB đặt câu hỏi, khi kiểm toán viên (KTV) đánh giá, đưa ra ý kiến sai tình hình tài chính của DN sau khi kiểm toán thì KTV sẽ phải bồi thường bao nhiêu tiền, trách nhiệm đến đâu?, và cho rằng, Dự Luật cần quy định về đạo đức nghề nghiệp của KTV, vấn đề công khai kết quả kiểm toán, và kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán… Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam cho rằng: Luật cần quy định rõ về trách nhiệm của lãnh đạo KTNN, kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán trong hoạt động của mình trước các sự việc. Nhắc lại các vụ kiểm toán vừa qua, ĐB Thân Đức Nam cho rằng: Đang có thực tế, là quyền của kiểm toán thì nhiều nhưng trách nhiệm với kết luận kiểm toán thì quá nhẹ, không tương xứng giữa quyền và nghĩa vụ. Một số ĐB cũng cho rằng, Dự Luật cũng cần bổ sung hình thức xử lý bồi thường thiệt hại về tài chính nếu báo cáo kiểm toán không chính xác do cố tình hay vô ý. Thực tế trong thời gian qua, trên thị trường chứng khoán cũng như trong hoạt động các DN Nhà nước cho thấy, có trường hợp DN đang gặp khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản, nhưng báo cáo kiểm toán vẫn "đẹp" và hậu quả là gây ra thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư, cho Nhà nước. Những trường hợp này nếu chỉ phạt vi phạm hành chính thì mức bồi hoàn cho nhà đầu tư cũng như cho nền kinh tế là không đáng kể.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng: Dự Luật chưa quy định cơ quan được kiểm toán không phục kết luận của kiểm toán thì có cơ quan nào làm trọng tài? Theo ĐB, đối tượng chủ yếu của KTNN là đơn vị quản lý sử dụng tài sản công, nhưng đây cũng là đối tượng của các cơ quan thanh, kiểm tra khác. Có trường hợp vừa bị kiểm toán vừa bị thanh, kiểm tra, vì vậy, cần làm rõ tính độc lập, phân định vị trí của kiểm toán với các cơ quan khác.

Ở một góc độ khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ cho rằng: Thực hiện kết luận kiến nghị của KTNN là một trong những nội dung liên quan đến hiệu lực hoạt động kiểm toán và liên quan chặt chẽ đến chất lượng kiểm toán. Hiện nay, kết luận của kiểm toán vẫn chỉ là những kiến nghị, chưa có giá trị hành chính và pháp lý để xử lý đơn vị vi phạm. Do đó, cần nâng cấp giá trị báo cáo, kết luận của KTNN lên một mức cao hơn.
Thông qua 5 Luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế
Ngày 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 Dự án Luật và Dự án Luật sửa đối liên quan đến lĩnh vực đầu tư, DN, thuế.
Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được thông qua quy định 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đây đều là những lĩnh vực đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhưng được tổng hợp trong Luật để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 đã bổ sung quy định trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập DN phải nộp phiếu lý lịch tư pháp. Đáng lưu ý, Điều 188 đã bổ sung quy định: Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác.
Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh quy định rõ về các vấn đề liên quan đến việc đầu tư, bổ sung vốn Nhà nước để thành lập DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng như ở công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên, mua lại một phần hoặc toàn bộ DN.
Luật Bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2016, quy định tăng mức thuế suất theo lộ trình đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino; giảm thuế suất đối với mặt hàng xăng sinh học. Quốc hội cũng đã quyết định chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, trò chơi bình chọn... vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, có hiệu lực ngay đầu năm 2015, điều chỉnh, sửa đổi một loạt các nội dung quan trọng ở các luật thuế hiện hành như quy định về một số khoản thu nhập của DN; quy định về thuế đối với cá nhân kinh doanh...(Trần Hà)