Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, xử lý nợ xấu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, ngày 1/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm, bàn giải pháp cho những tháng cuối năm 2022.

Trong cả ngày 1/6 và sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết này.

Quốc hội cũng dành chiều ngày 2/6 để thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021… 

Quang cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, tại đầu Kỳ họp thứ 3, trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi tích cực như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu NSNN đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội ước trong phạm vi dự toán là 343,67 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4% GDP); xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%)….

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu không đạt) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 4,4 - 4,9%), thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%).

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, tốc độ tăng trưởng đạt khá. GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu chi phòng chống dịch, an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách…

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong nước, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực, cùng với việc triển khai các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo có nhiều khởi sắc, tạo đà đẩy nhanh tăng trưởng Quý II và cả năm 2022.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội tại phiên thảo luận tổ. 
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội tại phiên thảo luận tổ. 

Trong phiên thảo luận tổ ngày 25/5, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, với những quyết sách đúng đắn đã kiểm soát dịch Covid- 19 hiệu quả để làm nền tảng để kinh tế - xã hội phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định, những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới dự báo có nhiều thách thức, nhất là với những nước mà nền kinh tế có độ mở lớn; lo ngại về đầu tư công giải ngân chậm, giá xăng tăng… cũng được để cập tới. Cùng với đó, Chính phủ đã có chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế, tuy nhiên việc triển khai các giải pháp còn khá chậm trễ…

Đồng thời, các đại biểu cũng hy vọng, qua thảo luận và những quyết định của Quốc hội trong Nghị quyết sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình triển khai một cách mạnh mẽ hơn các giải pháp tại chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp. Quốc hội đưa ra những quyết sách quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và thông qua các Nghị quyết để ban hành các cơ chế đặc thù và cơ chế cấp bách đảm bảo phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.