70 năm giải phóng Thủ đô

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không như các kỳ họp trước chỉ chọn nhóm vấn đề liên quan tới một số thành viên Chính...

Kinhtedothi - Không như các kỳ họp trước chỉ chọn nhóm vấn đề liên quan tới một số thành viên Chính phủ, Viện Kiểm sát, Tòa án để Quốc hội chất vấn, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào hay lãnh đạo cao nhất của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo đó, từ ngày 16/11 đến hết buổi sáng ngày 18/11, các đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn đối với Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn - Ảnh 1
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày, bằng với thời gian thực hiện công việc này của Quốc hội ở các kỳ họp khác.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Người phát ngôn của kỳ họp thứ 10 cho biết, không như các kỳ họp trước chỉ chọn nhóm vấn đề liên quan tới một số thành viên Chính phủ, Viện Kiểm sát, Tòa án để Quốc hội chất vấn, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào hay lãnh đạo cao nhất của TANDTC, VKSNDTC.

Nội dung chất vấn cũng rộng hơn, nhưng chủ yếu dựa trên các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác khiếu nại, tố cáo…

Trước khi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra, Quốc hội sẽ dành nửa buổi sáng 16/11 để nghe 5 báo cáo của Quốc hội, Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về việc thực hiện và thẩm tra thực hiện các nội dung giám sát, chất vấn và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

“Thông qua những báo cáo đó, các vị đại biểu xem xét nội dung gì đã làm được và vấn đề nào chưa thực hiện được. Trên cơ sở những nội dung còn tồn tại, chưa giải quyết trong việc thực hiện các nghị quyết, đại biểu Quốc hội sẽ đặt câu hỏi chất vấn”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Vẫn theo ông Phúc, đối với những nội dung chất vấn mang tính tổng hợp, một Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chung các nội dung; đồng thời sẽ trả lời nếu có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo lịch đã được ấn định, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội (nếu có) vào gần cuối buổi chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo Chương trình làm việc, hôm nay (16/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.