Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội:Đề xuất Quốc hội cho phép tăng bội chi năm 2020

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/11, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Mở đầu phiên thảo luận chiều 5/11, đại biểu Dương Văn Thống (Đoàn Yên Bái) nêu vấn đề: về dự báo tình hình và tăng trưởng kinh tế năm 2021, cách đây hơn 5 tháng, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng năm 2020 xấu nhất là đạt 3,6%, cao nhất đạt 5,2%. Nhìn lại cả 2 kịch bản đều chưa sát thực tế.
 Quang cảnh buổi thảo luận.
Đồng tình với dự báo tình hình năm 2021 của Chính phủ về đại dịch Covid- 19 và tác động tiêu cực tới kinh tế đầu tư, thương mại toàn cầu, đại biểu Dương Văn Thống cho rằng, những ngày gần đây tình hình đại dịch có vẻ xấu đi. Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2020. “Tôi đồng tình nhưng vẫn phân vân”, đại biểu Dương Văn Thống nói.
Gần đây, một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới u ám hơn so với dự báo cách đây 1 - 2 tháng. Đại biểu Dương Văn Thống đề nghị trong tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nhưng bền vững, hiệu quả, hài hòa, làm cho dân hài lòng, hạnh phúc.
Đồng thời, đại biểu Dương Văn Thống cho rằng: “không nhất thiết đặt ra chỉ tiêu cao, sau đó điều chỉnh liên tục”.
Về ngân sách nhà nước, theo đại biểu Dương Văn Thống, một số nhận xét của các Ủy ban của Quốc hội “rất đáng suy ngẫm”, như thuế thu nhập doanh nghiệp trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 giảm so với giai đoạn trước; thu ngân sách Trung ương mấy năm không đạt và các địa phương đều đạt hoặc vượt rất cao. 
Ông Dương Văn Thống cũng cho rằng, chi ngân sách thường xuyên có giảm, khoảng 64% nhưng đây vẫn còn rất cao. Thực tế là vẫn còn thấy lãng phí, có thể cắt giảm để dồn cho chi đầu tư phát triển. Từ năm 2021, nhất là trong xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022, năm 2025 cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên. Một số chính sách quy định kiểu đặc thù với một số ngành phải được rà soát lại, không để dư luận lâu nay râm ran là đặc quyền. “Phải kiên quyết xóa bỏ những bất hợp lý, không nể nang”, đại biểu Dương Văn Thống nhấn mạnh.
Về đầu tư công, theo đại biểu Dương Văn Thống, “Quốc hội đã thảo luận nhiều, Chính phủ, các địa phương đã chỉ đạo rất gắt gao nhưng vẫn có nhiều bất cập, kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng đầu tư công”. Vì thế, cần tập trung rà soát các khâu: chuẩn bị phân bổ dự toán, chuẩn bị đầu tư, cấp vốn, thời gian cấp vốn. Đồng thời, làm tốt và kiên quyết giải tỏa được mặt bằng cho các dự án. Cùng với đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công. Những bất cập trong chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị phân bổ dự toán rất phức tạp, tinh vi mà không loại trừ là có không lành mạnh, cho nên cần phải kiểm tra, giám sát các khâu, đại biểu Dương Văn Thống đề nghị.
Về cải cách bộ máy và cán bộ, đại biểu Dương Văn Thống cho biết, vừa qua chúng ta đã làm kiên quyết có kết quả, nhất là giảm tổ chức, giảm biên chế, giảm đơn vị hành chính ở cơ sở và tổ chức dưới cơ sở chắc chắn là tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với sự vận hành của cả bộ máy thực thi công vụ của cán bộ, công chức, một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp vẫn không hài lòng. Mấy năm gần đây chúng ta hay ví von, “trên ga dưới phanh, trên nóng dưới lạnh”.
Đại biểu Dương Văn Thống cho rằng, “nói thế chỉ đúng một phần, không toàn diện, dường như chỉ thấy cấp dưới trì trệ, làm chậm, không quyết liệt. Nhìn thẳng vào sự thật chúng ta thấy, một bộ phận nhân dân không hài lòng vì cán bộ nhiêu khê và không ít nơi, không ít cán bộ cấp dưới thấy một bộ phận cán bộ cấp trên, cơ quan cấp trên cả địa phương và Trung ương là cấp trên quản lý và tham mưu nhiêu khê”.
Đại biểu Dương Văn Thống đề nghị, phải bổ sung các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức gắn với áp dụng công nghệ hiện đại và công khai, minh bạch trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ.
Chúng ta bảo đảm sẽ cố gắng tốt nhất để rừng ngày một có chất lượng

Giải trình những vấn đề đại biểu nêu về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, được phê duyệt từ năm 2009, trong đó có 2 phần hợp thành do Bộ NN và PTNT quản lý thực hiện. Còn hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì thẩm định, phê duyệt cả về phía diện tích của Nghệ An.

 Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình những vấn đề đại biểu nêu

Tại thời điểm năm 2009, theo Nghị quyết 66, dự án không thuộc dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Năm 2011, dự án phải tạm dừng vì lúc đó không có kinh phí theo tình hình chung. Năm 2017, sau khi dự án được bố trí tiếp tục vốn để triển khai, Bộ đã yêu cầu các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa tổng rà soát lại diện tích đất sử dụng, đặc biệt là đất rừng vì diện tích rừng phòng hộ nâng lên là 312,95 ha. Chính vì thế, dự án phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công. Lý do của rừng phòng hộ tăng từ 94 ha lên 312,95 ha do hai lý do.

Một là, tại thời điểm phê duyệt dự án năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An cập nhật thiếu số liệu rừng phòng hộ của tỉnh Thanh Hóa. Hai là, theo quy định của pháp luật, sau 10 năm có nhiều thay đổi. Ví dụ, tiêu chí về rừng, theo luật cũ là 0,5 ha, theo luật mới bây giờ là 0,3 ha.

Liên quan đến thẩm quyền và thủ tục pháp lý, theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 02 đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án có tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, thì Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến tháng 8.2020 hai tỉnh Ninh Thuận và Nghệ An mới hoàn thành bộ hồ sơ này. Chính vì thế, đến thời điểm này, Chính phủ mới báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án Sông Than của Ninh Thuận và dự án bản Mồng của Nghệ An là phù hợp với quy định hiện hành. Sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Bộ NN và PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bản Mồng. Đối với dự án sông Than, thì UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ trình với HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Giải trình vấn đề đại biểu nêu về việc có phải dự án này làm tăng diện tích rừng hay không, Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ của dự án là tạo hồ chứa nước 225.000.000 m3 cấp nước cho 18.000 ha đất nông nghiệp, cấp tạo nguồn cho hạ lưu của lưu vực sông Cả với tốc độ là 22 m3/s để cấp cho hệ thống Bắc và Nam thủy lợi của Nghệ An. Hợp phần thủy điện chỉ kết hợp tận dụng lưu lượng xả về hạ du để phát điện theo lịch cấp nước của thủy lợi. “Đây là trường hợp chúng ta tận dụng, không liên quan đến tăng dung tích của hồ chứa, vì vậy không tăng diện tích rừng phải chuyển đổi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Chưa hài lòng với phần giải trình của Bộ trưởng, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu vấn đề: Ngày 28/6/2017, Bộ NN và PTNT đã có Quyết định số 2749 phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo báo cáo của Bộ trưởng, dự án này gồm 2 hợp phần: xây dựng công trình và di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng… Khi điều chỉnh dự án này, rõ ràng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn phải chuyển đổi tăng từ 90 ha lên hơn 312 ha. Theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 7 Luật Đầu tư công, trước khi sửa đổi cũng đã quy định rất rõ là chuyển đổi từ 50 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, thì Quốc hội phải có ý kiến.

“Dù có hợp phần nào thì đây cũng là một dự án. Trong quá trình điều chỉnh dự án mà điều chỉnh chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lớn như vậy mà chưa có ý kiến của Quốc hội, thì căn cứ nào để Bộ ra quyết định điều chỉnh tại Quyết định số 2749 năm 2017” - Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, đồng thời, cho rằng, đây là quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, cho nên cần làm rõ tại sao giải ngân đầu tư công chậm như vậy? Có phải do mắc ở luật không? Hay do trong quá trình thực hiện còn có những vấn đề mà chúng ta làm chưa hết? Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm rõ.

Liên quan đến thông tin Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu là trong 30 năm qua, diện tích rừng tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha là tăng diện tích rừng tự nhiên, hay chủ yếu là rừng trồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong tổng diện tích rừng 14,6 triệu ha hiện nay, rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha. Như vậy, so với cách đây 30 năm, lúc đó chúng ta chỉ có 9 triệu ha, thì đương nhiên chỗ này tăng diện tích rừng tự nhiên đã tới 1,3 triệu ha. Tuy nhiên, phải khẳng định chất lượng rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, vì trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, còn 50% là rừng trung bình và 35% rừng nghèo kiệt. “Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường nói.

Chính vì thế, Quốc hội yêu cầu tới đây, rừng tự nhiên bằng chính sách khoanh nuôi, bảo vệ phải tăng hơn nữa định mức để người dân tham gia trồng rừng, chăm sóc, ngày một bảo đảm độ giàu về đa dạng sinh học... “Chúng ta bảo đảm sẽ cố gắng tốt nhất để rừng ngày một có chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Chưa hài lòng với nội dung giải trình này với lý lẽ Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tăng từ 9 triệu ha lên hơn 14 triệu ha là con số đáng phấn khởi là “rất vô lý và có cái gì đó thực sự là sai sai”, đại biểu K’sor H'Bơ Khắp (Gia Lai) phân tích: không thể nào có con số đó, vì ít nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội này, tại các kỳ họp Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình có nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Đó là rừng tự nhiên. Làm gì có chuyện con số rừng tự nhiên tăng lên hơn 14 triệu ha, trong khi thực tế, cây cao su, cà phê, tiêu… cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng... Cây cao su không chỉ trồng ở Tây Nguyên mà còn là những dự án ở Tây Bắc nữa.

“Bộ trưởng cần phải nghiên cứu lại, xem các dự án này phải điều chỉnh như thế nào đối với cây gỗ, rừng tự nhiên”, ĐB K’sor H'Bơ Khắp đề nghị.

Cần có kịch bản phát triển trong năm 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Trước khi Covid - 19 xuất hiện, chúng ta đã thành công, đạt được hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua. Kinh tế liên tục tăng trưởng từ 6,2 - 6,8 - 7,0%, bình quân đạt 6,8%. Điều quan trọng hơn là chúng ta đã tạo ra nền kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc. Chúng ta đã kiểm soát lạm phát, bình quân dưới 4%, đã tạo được các cân đối lớn của nền kinh tế, dự trữ ngoại hối tăng và cải thiện rất tốt, từ đó bảo đảm cho sự ổn định tiền tệ và tăng niềm tin vào sức mua, giá trị đồng tiền Việt Nam. Khẳng định những kết quả nổi bật nêu trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ: “Chúng ta đã tạo ra dư địa rất tốt cho nợ công để cơ sở tăng đầu tư và tạo điều kiện tăng trưởng bền vững hơn”.

Tuy nhiên, đến năm 2020, đại dịch Covid - 19 ập đến, đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên thế giới và đã lấy đi 7 - 8 % GDP của toàn cầu, tương ứng với khoảng 6.000 - 7.000 tỷ USD. Với Việt Nam, thu ngân sách năm 2020, kế hoạch đưa ra phải thu được 1.512.000 tỷ đồng, nhưng nếu bây giờ phấn đấu tích cực sẽ thu được khoảng 1.300.000 tỷ đồng, như vậy chúng ta sẽ thất thu khoảng 189.000 tỷ đồng. Cho nên, bội chi ngân sách đã tăng thêm trên 84.000 tỷ đồng.

“Nói như vậy để thấy thiệt hại của Covid - 19 là quá lớn. Thời gian tới, khi chúng ta xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phải thận trọng với đại dịch Covid -19”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Về phương hướng, nhiệm vụ của năm 2021, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ nên xây dựng nhiều kịch bản, trong đó kịch bản tốt nhất là Covid - 19 được kiểm soát, vaccine có hiệu quả và kinh tế thế giới là phục hồi. Trong điều kiện này thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 trên 6% khả thi. Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân: "Tuy nhiên, chúng ta phải có kịch bản trong trường hợp điều kiện diễn biến không thuận lợi, đó là chưa tìm ra vaccine, Covid - 19 có thể tái phát trở lại và kinh tế thế giới suy thoái kép -trong trường hợp này thì tăng trưởng chỉ có thể đạt khoảng 4 - 4,5% như dự báo."

Với câu chuyện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thiên tai, lũ lụt đang hoành hành ở nhiều địa phương miền Trung, đồng tình với việc Chính phủ phải trích Quỹ dự phòng tài chính của năm nay để chi cho các địa phương đang gặp khó khăn do lũ lụt, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng “phải giải quyết bài toán căn cơ hơn”. Vì năm nào chúng ta cũng chứng kiến lũ, lụt, bão tố ở khu vực miền Trung; phải tính đến yếu tố quy hoạch, chuyển người dân đến nơi an toàn...

Ước thu ngân sách 2020 giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng

Giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu nêu trong 3 ngày thảo luận ở hội trường vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN 5 năm 2016-2020. Theo đó, dự toán được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, giá dầu thô 60 USD/thùng, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%. Tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh trên 10% so với thực hiện năm 2019, trong điều kiện thực hiện thu năm 2019 tăng rất cao, vượt 9,9% so với dự toán (139,7 nghìn tỷ đồng), tăng cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, bước vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư, thương mại và tài chính toàn cầu. Trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng, vì vậy ảnh hưởng của dịch bệnh là rất lớn trên hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và NSNN năm 2020 của nước ta. Bên cạnh đó, như ý kiến của nhiều đại biểu đã nêu, diễn biến bất thường của thiên tai ngay từ đầu năm như mưa đá, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long; mưa lũ, ngập lụt ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.

Trước những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu kép: vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiêu liệu bay; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Giảm tiền thuê đất; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư giảm, miễn các loại phí, lệ phí… Đến nay, các chính sách trên đã góp phần giảm, giãn khoảng 100 nghìn tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tích tụ vốn cho doanh nghiệp.

Số thu NSNN 10 tháng đầu năm đã phản ánh rõ những khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. Cụ thể, thực hiện thu NSNN 10 tháng đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019; là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây (trong đó, ngân sách Trung ương đạt 70%, ngân sách địa phương đạt 81% dự toán). Một số địa phương có số thu lớn, có điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng thực hiện 10 tháng rất thấp như: Hà Nội 70,1%; TP Hồ Chí Minh 64,8%; Vĩnh Phúc 60,8%; Đà Nẵng 56,4%; Quảng Nam 45,5%; Khánh Hòa 58,8%...

“Bên cạnh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, chúng tôi cũng chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá”, Bộ trưởng cho biết. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm, đã thực hiện 48,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra hơn 436 nghìn hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; kiến nghị xử lý 39.684 tỷ đồng; trong đó, thu NSNN 13.267 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1.187 tỷ đồng, giảm lỗ 25.229 tỷ đồng. Đồng thời đã thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng và phạt 117 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã thu hồi được 20.292 tỷ đồng từ nợ đọng thuế từ năm 2019 chuyển sang.

Đối với đánh giá cả năm 2020, Bộ Tài chính đã rà soát, làm việc rất kỹ với các địa phương, trên cơ sở dự kiến tăng trưởng GDP 2-3% (so với kế hoạch là 6,8%), chúng tôi báo cáo ước thu NSNN năm nay giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng (bằng 12,5%) so với dự toán. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn phải tăng chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ thêm về an sinh xã hội. Đến nay, chúng ta đã chi khoảng 19 nghìn tỷ đồng cho các công tác phòng, chống và hỗ trợ người dân do đại dịch Covid-19 từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi từ năm 2019 chuyển sang. Đồng thời, NSNN cũng đã chi khoảng 12,5 tỷ đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Đối với công tác hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lũ, Chính phủ đã hỗ trợ 382 tỷ đồng cho 11 địa phương miền núi phía Bắc để khắc phục thiệt hại do mưa đá, dông lốc, sạt lở đất; hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng đồng bằng Sông Cửu Long để khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.

Bước đầu hỗ trợ 500 tỷ đồng cho 5 địa phương miền Trung

Đối với ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung, Tây Nguyên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong tháng 10, bước đầu ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 500 tỷ đồng cho 5 địa phương miền Trung. Đồng thời, Chính phủ đang hoàn thiện cơ chế hỗ trợ thiệt hại về nhà ở do tác động của thiên tai, mưa, bão, lũ gây ra trong tháng 10 cho người dân một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, dự kiến ngân sách Trung ương sẽ phải hỗ trợ thêm cho các địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng (dự kiến hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng).

Bộ trưởng đồng tình với ý kiến một số đại biểu đề xuất rà lại dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, và cần ưu tiên gói đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai, bão lũ.

Trong điều kiện thu NSNN giảm, một số khoản chi phát sinh tăng lớn, nên để bảo đảm cân đối NSNN, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, một mặt yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục tiết kiệm chi: đã cắt tối thiểu 70% công tác phí trong nước, nước ngoài, tiết kiệm thêm 10% kinh phí thường xuyên ngoài lương và các khoản tiết kiệm khác (được khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng). Mặt khác, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tăng bội chi NSNN năm 2020 từ khoảng 95 - 133,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bội chi khoảng 4,99 - 5,59% GDP. Với khoảng này thì nợ công ước khoảng 56,8 - 57,4% GDP.

Về đánh giá Kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm 2016 - 2020, Bộ trưởng nêu rõ, kết quả thực hiện phát triển KT-XH và NSNN năm 2020 ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Về kinh tế, nếu tăng trưởng GDP 2020 đạt 2-3%, thì bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 5,8 - 5,9%, trong khi chỉ tiêu kế hoạch là 6,5 - 7%. Về NSNN, dự kiến thu NSNN năm 2020 giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng so với dự toán, nên thu 5 năm ước giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Bộ trưởng cho rằng, đến nay chúng ta cơ bản đạt được các mục tiêu về tài chính - ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội. Cụ thể, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% (kế hoạch là 23,5%); cơ cấu thu - chi chuyển dịch tích cực; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ mức 68% của giai đoạn 2011 - 2015 lên 80,9% giai đoạn 2016 - 2019 và ước đạt 84,3% trong năm 2020 (mục tiêu là 84 - 85%). Bố trí tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần lên mức 26,9% trong năm 2020; thực tế thực hiện ước đạt 27 - 28% (mục tiêu là 25 - 26%). Tỷ trọng chi thường xuyên giảm xuống 60,5% trong dự toán 2020 (mục tiêu thấp hơn 64%) trong khi vẫn đảm bảo nguồn thực hiện điều chỉnh lương cơ sở, các nhiệm vụ quan trọng quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, và phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tỷ lệ bội chi NSNN khoảng 3,8% GDP (mục tiêu cả giai đoạn là thấp hơn 3,9% GDP); nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống 55% năm 2019 và 56,8% năm 2020.

Liên quan đến các chỉ tiêu về chất lượng nợ công, Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua “đã được cải thiện rất lớn”. Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 là 18,1%, bằng khoảng 3 lần tăng trưởng kinh tế; thì đến giai đoạn 2016-2019 giảm chỉ còn 6,8%/năm, tương đương tốc độ tăng trưởng kinh tế (riêng năm 2020 ước tăng khoảng 10% so với năm 2019). Cơ cấu nợ vay trong nước/vay nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn, tăng vay trong nước; kỳ hạn phát hành, kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ được tăng lên trong khi lãi suất vay giảm sâu , góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Bộ trưởng đồng ý với ý kiến đại biểu là mặc dù tỷ lệ nợ công so GDP thời gian qua có giảm, nhưng quy mô nợ số tuyệt đối vẫn tăng, nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi so với tổng thu NSNN năm nay và một vài năm tới tăng cao, khối lượng phải huy động hằng năm lớn, tạo rủi ro về an ninh tài chính. Điều này, một mặt đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục quyết liệt cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng bền vững hơn, mặt khác phải nâng cao hơn nữa hiệu quả đồng vốn chúng ta vay về cho đầu tư phát triển.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách nhà nước

Về dự toán NSNN năm 2021, Bộ trưởng cho biết, mặc dù có nhiều dự báo tích cực, nhưng chúng tôi cho rằng sự phục hồi kinh tế thế giới và khu vực phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như: ổn định chính trị; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA); sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước…

Nhưng bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, trong năm tới vẫn phải yêu cầu duy trì mục tiêu kép, vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của biến động chính trị - kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng lớn. Trên cơ sở đánh giá sát khả năng thu ngân sách của từng địa phương năm 2020, dự báo kinh tế thế giới; dự kiến dự toán thu ngân sách trên cơ sở GDP tăng 6%, lạm phát dưới 4%, giá dầu 45 USD/thùng.

Mặt khác, tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển KT-XH và NSNN không chỉ dừng trong năm 2020, mà sẽ còn sang năm 2021, thậm chí có thể một số năm tiếp theo. Kinh nghiệm các năm 2012 – 2013 - 2014, khi kinh tế suy giảm thì tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh này chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng GDP. Trên cơ sở đó, sau khi làm việc với các địa phương, chúng tôi dự kiến tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh năm 2021 là 5,6% so với ước thực hiện năm 2020, là mức khá tích cực trong điều kiện còn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, dự toán thu NSNN năm 2021 là 1,34 triệu tỷ đồng (giảm gần 170 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020); tỷ lệ huy động vào NSNN là 15,5% GDP; trong đó, từ thuế phí là 13% GDP điều chỉnh (tương ứng 19,7% và 16,6% GDP chưa điều chỉnh).

Trước tình hình trên, để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội và kích cầu trong nước, Chính phủ đề xuất bội chi NSNN năm 2021 là 4%GDP (tương ứng là 5% GDP chưa điều chỉnh), tăng 1,5% so với dự toán 2020 (tăng thêm 109 nghìn tỷ đồng). Bội chi NSNN chỉ dành cho đầu tư phát triển (không dành cho chi thường xuyên). Khi đó nợ công 2021 là 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh).

Tổng hợp dự toán thu 2021 và bội chi 2021, thì tổng chi NSNN năm 2021 vẫn giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020 và dự kiến bố trí như sau: Ưu tiên bố trí tăng chi cho đầu tư phát triển để đạt tỷ trọng 28,3% tổng chi NSNN (dự toán 2020 là 26,9%). Bố trí trả nợ lãi và dự phòng theo quy định của Luật NSNN. Dành nguồn ưu tiên cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khi đó, chi thường xuyên năm 2021 giảm 56 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Vì vậy, yêu cầu trong năm 2021, “chúng ta phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đồng thời, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ trưởng nói.

Về dự kiến Kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm giai đoạn 2021 - 2025: Trên cơ sở dự toán NSNN năm 2021 trình Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 bình quân 6,5-7%, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng, gấp 1,1 - 1,2 lần so với giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân khoảng 15-16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13-14%, giảm so với giai đoạn 2016-2020 là 24,5% và 20,4% GDP. Chủ yếu do từ năm 2021, chúng ta điều chỉnh quy mô GDP tăng khoảng 25-27% so với mức hiện hành (nếu tính theo GDP hiện hành thì mức huy động vào NSNN giai đoạn này khoảng 19-20%, trong đó từ thuế, phí khoảng 16-17%). Bên cạnh đó, giai đoạn tới dự kiến thu từ đất và hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản ngang bằng giai đoạn 2016-2020, thu từ dầu thô chỉ bằng 1/2 của giai đoạn 2016-2020 và chỉ chiếm 3,3% GDP điều chỉnh của giai đoạn 2021-2025. Mặc dù vậy, mức độ huy động từ thuế, phí bình quân 5 năm tới đạt 13-14% GDP điều chỉnh, cơ bản tương ứng với mức huy động của các nước ASEAN-5.

Cơ cấu thu tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng thu nội địa bình quân chiếm 85-86% tổng thu NSNN, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12,7% và thu từ dầu thô chiếm còn 1,4% tổng thu NSNN (giai đoạn 2011-2015, thu dầu thô chiếm 12,7%, giai đoạn 2016-2020 còn 3,6% tổng thu NSNN).

Kế hoạch 2021-2025 được dự kiến trên tinh thần phấn đấu rất tích cực, tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh bình quân là 8%/năm (giai đoạn 2023 - 2025 là 10%/năm) trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19, cạnh tranh giữa các nước lớn.

Trong nước, bên cạnh các yếu tố thuận lợi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu chi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm dần bội chi NSNN, chúng tôi kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu NSNN gắn với cải cách lại NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý; khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế - bảo đảm tính trung lập của thuế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư phát triển.

Đồng thời, cũng phải tiếp tục xây dựng chính sách phân cấp ngân sách để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong điều kiện 2 khoản thu ngân sách Trung ương được hưởng 100% là thu từ dầu thô chỉ bằng 1/2 và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản đi ngang so với giai đoạn 2016 - 2020. Cần nghiên cứu giảm dần cơ chế lồng ghép ngân sách để bảo đảm tính chủ động của các địa phương.

Về chi NSNN, dự kiến 5 năm tới tổng số là 9,7 triệu tỷ đồng, gấp 1,3 lần giai đoạn 2016-2020; trong đó, chi đầu tư phát triển 2,75 triệu tỷ đồng, chiếm 27-28% tổng chi NSNN, nhằm hỗ trợ nền kinh tế khôi phục sau đại dịch Covid-19. Chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, đảm bảo cho các chế độ, chính sách chi cho con người, chi an ninh – quốc phòng, chi phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các dịch vụ công thiết yếu. Đồng thời, quyết liệt thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công thì chi thường xuyên bình quân còn lại khoảng 62-63% tổng chi NSNN. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn tới khoảng 3,7% GDP và giảm dần, trong đó năm 2021 dự kiến 4% GDP và đến năm 2025 giảm còn 3,4% GDP. Nợ công đến năm 2025 ước khoảng 47,5% GDP điều chỉnh (khoảng 60,4 GDP chưa điều chỉnh). Tổng mức vay của NSNN giai đoạn 2021-2025 là 3,18 triệu tỷ đồng; trong đó: vay bù đắp bội chi là 1,9 triệu tỷ đồng, vay trả nợ gốc đến hạn là 1,27 triệu tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có năm có thể vượt 25% tổng thu NSNN và là rủi ro trong việc huy động vốn hàng năm để bù đắp bội chi và trả nợ gốc của Chính phủ.

Kết thúc 3 ngày thảo luận ở Hội trường về tình hình KT-XH và NSNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đ có 112 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 4 phát biểu hai lần, có 18 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

"Nhìn chung, nội dung thảo luận bao quát toàn diện, đi sâu vào những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.