Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, quan trọng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/1, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị vào chiều 4/1 và khai mạc vào ngày 5/1. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 4 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 9/1).

Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, căn cứ khoản 2 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đồng thời, xem xét, thông qua 3 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

Quang cảnh cuộc họp báo
Quang cảnh cuộc họp báo

Về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Có 28 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, tranh luận, 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản; về cơ bản, các ý kiến nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đồng thời, đóng góp một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 29/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với đại diện Thường trực Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trì soạn thảo, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, một số cơ quan, tổ chức hữu quan để thống nhất các nội dung lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Tại cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội về việc chưa xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

 

Liên quan công tác nhân sự, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thông tin: Chiều 4/1, Quốc hội sẽ biểu quyết chính thức thông qua chương trình kỳ họp. Dự kiến chương trình trình Quốc hội thông qua tại phiên trù bị có nội dung về công tác nhân sự, trong đó có nội dung về cho thôi tư cách đại biểu Quốc hội, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về miễn nhiệm và bổ nhiệm nhân sự mới. “Quy trình thủ tục liên quan đến công tác nhân sự tại các kỳ họp được tiến hành rất chặt chẽ” - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Đồng thời cho biết, công tác nhân sự cũng là công việc thường xuyên, hệ trọng như Tổng Bí thư nhắc nhiều lần rằng “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. Việc lựa chọn nhân sự, bố trí các vị trí, hay kịp thời thay thế các vị trí chúng ta cũng dần làm quen với việc diễn ra bình thường. Việc phát hiện nhân tài, bố trí nhân sự gánh vác công việc, rồi nhân sự không còn đảm bảo cũng là công việc thường xuyên của Đảng. 

Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại phiên họp thứ 18, ngày 14/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở Báo cáo số 477/BC-CP ngày 07/12/2022 của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4…