Quốc lộ 1A có bị lãng quên?

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc lộ 1A (QL1A) là tuyến đường hướng tâm Hà Nội, chạy theo trục dọc Bắc-Nam, kết nối Hà Nội với hầu hết các tỉnh, TP trong cả nước. Mặc dù có vai trò chiến lược trong liên kết cả nội vùng lẫn liên vùng, nhưng tuyến đường hầu như bị lãng quên trong hơn 10 năm qua.

QL1A thường xuyên ùn tắc hướng vào trung tâm TP Hà Nội (Ảnh trên). Nút giao QL1A - Vành đai 3 là một trong những điểm "nóng" giao thông của Hà Nội. Ảnh: Minh Tường
QL1A thường xuyên ùn tắc hướng vào trung tâm TP Hà Nội (Ảnh trên). Nút giao QL1A - Vành đai 3 là một trong những điểm "nóng" giao thông của Hà Nội. Ảnh: Minh Tường

Mới hoàn thành hơn 15%

Tuyến QL1A, đoạn qua địa bàn Hà Nội có điểm đầu tại nút giao với đường Vành đai 3, điểm cuối hết địa phận Hà Nội, tổng chiều dài 33,5km, đi qua 4 quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường tín, Phú Xuyên. Tuyến đường được xác định quy mô, tiêu chuẩn mặt cắt từ 30 - 46m, tùy theo từng đoạn, đảm bảo năng lực lưu thông cho mọi loại hình phương tiện vận tải đường bộ.

Nhiều năm qua, UBND TP Hà Nội đã dành nguồn lực để từng bước đầu tư cải tạo, hoàn thiện tuyến QL1A theo quy hoạch. Tuy nhiên việc triển khai rất khó khăn, nhiều thời điểm buộc phải tạm ngừng.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, đến nay ngoài 5,1 km đã hoàn thiện, QL1A còn có 6,42km đã có dự án đầu tư, đang triển khai các thủ tục; 3,4km đã và đang đầu tư hoàn thiện l/2 mặt cắt theo quy hoạch; 18,58km chưa có dự án hình thành, đang khai thác sử dụng trên mặt đường hiện trạng.

Cụ thể, ba đoạn tuyến đã được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch gồm: 1,2km trên địa bàn Hoàng Mai; 2,2km trên địa bàn huyện Thanh Trì; 1,7km trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ngoài ra có 3,4km đang được đầu tư hoàn thiện theo 1/2 mặt cắt quy hoạch trên địa bàn huyện Thường Tín.

Ba đoạn tuyến triển khai dở dang đã lâu gồm: 3,8km trên địa bàn huyện Thanh Trì; 1,6km trên địa bàn huyện Thường tín; 1,01km trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Còn lại 4 đoạn tuyến với 18,58km đi qua hai huyện: Thường Tín, Phú Xuyên vẫn chưa có dự án đầu tư.

Từ sau khi tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được đưa vào khai thác, phần lớn lưu lượng phương tiện ra vào cửa ngõ phía Nam Thủ đô đã chuyển sang lưu thông tại đây. Bên cạnh đó, đoạn tuyến QL1A của Hà Nội mới chỉ có 5,1/33,5km được hoàn thiện theo quy hoạch (chiếm khoảng hơn 15%); phần lớn tuyến đường hiện trạng chỉ có mặt cắt 7,5m; nhiều đoạn tuyến thi công dở dang, xôi đỗ.

Điển hình như đoạn tuyến đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (từ Km185 - Km189) thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, triển khai từ năm 2011. Đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện đoạn tuyến chỗ rộng, chỗ hẹp, mặt đường uốn lượn kèm dải phân cách, cột điện lô nhô tiềm ẩn nguy cơ rất cao mất ATGT.

Thực trạng đó khiến cửa ngõ phía Nam trở thành một trong những khu vực chịu áp lực giao thông lớn nhất của Hà Nội. Đặc biệt trong những kỳ lễ, tết, ùn tắc kéo dài cả trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lẫn QL1A.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và QL1A là hai tuyến đường chiến lược song hành, có vai trò bổ trợ, kết hợp với nhau, khai thông cửa ngõ phía Nam, kết nối Thủ đô với các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ, tận Nam Bộ.

“Trong nội vùng, QL1A hướng vào trung tâm TP, tạo một gạch nối giữa sáu Vành đai trọng yếu là: 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5. Với tầm ảnh hưởng xuyên suốt từ trong ra ngoài, QL1A chiếm vị trí chiến lược trên bản đồ giao thông của Hà Nội. Việc chậm trễ mở rộng, nâng cấp tuyến đường này gây rất nhiều hệ lụy cho Hà Nội” - ông Phan Trường Thành nói.

Quốc lộ 1A thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Kiên
Quốc lộ 1A thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Kiên

Cách làm chưa phù hợp

Nhiều chuyên gia cho rằng, đoạn tuyến QL1A qua Hà Nội được đầu tư mở rộng chưa đúng cách. Từ khâu nghiên cứu, lập dự án đến triển khai thực tế bị xé nhỏ, tạo thành các dự án “con” lắt nhắt; công tác GPMB quá trì trệ, chính quyền các quận, huyện liên quan khá thờ ơ, nhất là từ sau khi tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đưa vào khai thác, sử dụng.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhận định, công tác đầu tư xây dựng QL1A vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ toàn tuyến, có tình trạng chia thành nhiều đoạn để đầu tư. Ví dụ như trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 8,89km đường QL1A cần mở rộng, cải tạo nhưng đã được chia nhỏ thành bốn dự án. Công tác lập, trình, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án còn chậm. 18,58km đường QL1A còn lại hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư..

Một số đoạn tuyến bế tắc hàng chục năm do vướng mắc GPMB như tại huyện Thanh Trì, dù UBND TP Hà Nội đã nhiều lần đốc thúc nhưng vẫn không giải quyết được để hoàn thành thi công. Chỉ giới đường đỏ các đoạn tuyến: từ Km194 - Km 206+985,50; từ Km208 - Km 213+234 còn chưa được thẩm định và phê duyệt.

Thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng, QL1A có tính chất đặc biệt, khác với các vành đai lớn ở chỗ nó kết nối xuyên suốt toàn quốc theo hướng Bắc - Nam. Đường vành đai chỉ liên kết một khu vực, mở rộng ảnh hưởng đến lân cận, còn QL1A vừa đảm bảo kết nối nội vùng, vừa mở rộng liên vùng đến toàn quốc, quy mô, tầm ảnh hưởng của nó, nếu xét riêng theo vị trí địa lý thì còn quan trọng hơn cả đường vành đai.

“Nhiều năm qua, dù rất nỗ lực nhưng Hà Nội chưa hoàn thành được việc nâng cấp, mở rộng QL1A, một phần nguyên nhân do cách làm trong nghiên cứu, triển khai đầu tư chưa phù hợp. TP cần sát sao hơn nữa, yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan có sự điều chỉnh kịp thời để đảm bảo hiệu quả, rút ngắn thời gian đầu tư” - ông Phan Trường Thành nói.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, thời gian tới cần tập trung vào năm nhiệm vụ cụ thể đối với QL1A. Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến đã khởi công và đang thi công. Thứ hai là hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ các đoạn tuyến còn lại. Thứ ba là hoàn thiện việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các đoạn tuyến đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ tư là sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, để xác định danh mục dự án nào khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025; dự án nào làm công tác chuẩn bị đầu tư. Thứ năm là rà soát cân đối nguồn lực, bố trí đủ vốn để thực hiện đầu tư các dự án theo từng giai đoạn.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong GPMB các dự án nhỏ thuộc QL1A.

 

Theo đồ án quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QL1A cùng với đường Hồ Chí Minh là hai tuyến QL toàn quốc theo trục dọc Bắc - Nam đạt tiêu chuẩn cấp III bốn làn xe chạy.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần