70 năm giải phóng Thủ đô

Quốc Oai nỗ lực “thuần hóa” đất hoang

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất… đang là hướng đi hiệu quả, giúp huyện Quốc Oai “thuần hóa” đất hoang thành những cánh đồng mẫu lớn, đem lại lợi ích hài hòa cho cả người dân, DN.

Hình thành cánh đồng mẫu lớn, đưa công nghệ vào sản xuất

Sản xuất nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp, trong khi sức hút từ các ngành nghề khác có thu nhập cao, khiến người dân không còn mặn mà với việc đồng áng. Theo tính toán của người nông dân, 1 sào cấy lúa sau 3 tháng cho thu hoạch 2 tạ thóc, tương đương 1,6 triệu đồng. Nếu được mùa, trừ chi phí, người dân chỉ được 200.000 đồng. Bởi vậy, tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang ngày càng nhiều.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, để giảm diện tích đất bỏ hoang, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, huyện có chủ trương khuyến khích người dân, hợp tác xã (HTX), DN đứng ra tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn để ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Với chủ trương của huyện, cùng sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương, người dân đã đồng thuận cho các HTX, DN thuê lại đất để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình điểm, bước đầu cho hiệu quả tích cực, hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

Máy gieo sạ cụm tại cánh đồng mẫu lớn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai
Máy gieo sạ cụm tại cánh đồng mẫu lớn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai

Là địa phương có làng nghề làm miến dong, nên nhiều năm nay, người dân xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai tập trung làm nghề mà bỏ bê việc đồng áng. Toàn xã có đến 50ha đất ruộng bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hòa Hoàng Văn Qùy chia sẻ, phương thức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún không mang lại hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, chỉ khi tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao mới tiết giảm chi phí sản xuất, nhân công lao động, giúp người dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.

“Vụ Xuân năm 2023, HTX đã thuê lại được gần 50ha đất ruộng bỏ hoang lâu năm để cấy lúa. Nhờ cánh đồng mẫu lớn, nên HTX thuận lợi ứng dụng cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ làm đất, gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới là gặt đập liên hoàn” – ông Hoàng Văn Qùy cho hay.

Mô hình nho Hạ Đen tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai
Mô hình nho Hạ Đen tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai

Hưởng ứng chủ trương của huyện, năm 2021, anh Vương Đức Lập, xã Cộng Hòa đã mạnh dạn thuê lại hơn 1ha ruộng bỏ hoang của người dân để trồng nho Hạ Đen. Anh Lập đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng nhà lưới, ứng dụng tưới nhỏ giọt, thuê kỹ sư về chăm sóc để tạo ra sản phẩm nho Hạ Đen chất lượng. Từ hơn 1ha đất hoang cỏ mọc ngập đầu người, nay anh Lập đã cải tạo thành vườn nho sai trĩu quả. Sau 1 năm trồng, vườn nho đã thu hoạch vụ đầu tiên được hơn 2 tấn quả.

Nhận thấy cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương, năm 2022, anh Lập mạnh dạn thuê thêm hơn 3ha để mở rộng mô hình, trồng thêm các giống nho khác như nho sữa, nho ngón tay, táo, ổi… Cùng với đó, anh định hướng phát triển mô hình du lịch trải nghiệm.

Thay đổi tập quán sản xuất

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, mô hình cánh đồng mẫu lớn là phương hướng sản xuất hiệu quả cao nhất nhất trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất tập trung trên cánh đồng mẫu lớn là vấn đề mới đối với cán bộ và Nhân dân địa phương, phá bỏ tập quán canh tác có từ rất lâu đời. Vì thế, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để cán bộ, Nhân dân làm theo.

Thành công của các mô hình điểm với phương thức sản xuất mới sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ của người nông dân để chuyển sang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác mới. Qua đó, từng bước nhân rộng mô hình ra các vùng lân cận và trong toàn huyện.

Cũng theo ông Thắm, để hỗ trợ các HTX, DN, huyện đã có nhiều chương trình như đưa đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm, tập huấn, hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi… Năm 2023, với mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Tân Hòa, huyện đã đứng ra kết nối HTX nông nghiệp Tân Hòa với Công ty thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng tại TP Hồ Chí Minh thực hiện trình diễn gieo sạ cụm theo hàng, liên kết với các đơn vị cung cấp giống lúa, phân bón sinh học, bao tiêu sản phẩm, tiến hành nạo vét kênh mương…

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn khẳng định, thành công của mô hình điểm sẽ tạo ra bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện, từng bước hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang và mang lại nguồn thu nhập lớn từ sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai yêu cầu các cơ quan liên quan ở huyện rà soát những chính sách, cơ chế hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp để cùng đồng hành cùng DN, HTX thực hiện mô hình.