Theo thỏa thuận này, chính phủ Syria sẽ chấm dứt các hoạt động giao tranh ở những khu vực nhất định do phe đối lập kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, phe đối lập đã phát tín hiệu sẵn sàng tuân thủ kế hoạch này nếu chính phủ Syria cũng nghiêm túc thi hành. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, chính quyền Syria đã được thông báo về các điều khoản thỏa thuận và cũng sẵn sàng tuân thủ. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn 10 ngày liên tiếp vẫn không loại trừ các cuộc không kích nhằm vào những mục tiêu IS tại Syria. Nga và Mỹ sẽ lập ra một trung tâm kiểm soát chung nhằm chiến đấu với các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay Mặt trận al-Nusra. Đây là kết quả của gần 13 giờ đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga – Mỹ và được xem là một bước ngoặt mới trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Nhận định về thỏa thuận ngừng bắn này, cộng đồng quốc tế hầu hết có thái độ hoan nghênh, nhưng vẫn tồn tại những khuyến cáo và nghi ngờ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, hàng hóa cứu trợ nhân đạo phải được vận chuyển tới các khu vực bị bao vây ở Syria ngay từ lúc thỏa thuận này có hiệu lực vào ngày mai (12/9). Trong khi đó, Cao ủy EU về đối ngoại và an ninh – ông Federica Mogherini lại thúc giục Liên Hợp quốc chuẩn bị một “sự chuyển giao chính trị” ở Syria. Người phát ngôn phe đối lập Syria cho rằng, kế hoạch này đem lại hy vọng nhưng cần đưa thêm chi tiết về phương thức triển khai. Chính quyền Syria cũng đã bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận này. Mặt khác, Iran – đồng minh của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn chưa lên tiếng bày tỏ thái độ. Kể từ khi bắt đầu hơn 5 năm trước, cuộc khủng hoảng Syria đã khiến ít nhất 400.000 người thiệt mạng và hàng ngàn người tha phương khỏi quê hương, gián tiếp làm trầm trọng cuộc khủng hoảng di cư châu Âu. Theo BBC phân tích, thỏa thuận ngừng bắn kéo dài hơn 1 tuần có khả thi, nhưng một thỏa thuận nhằm kết thúc hoàn toàn cuộc khủng hoảng Syria vẫn sẽ là dấu hỏi bởi quá nhiều xung đột chồng chéo tại mặt trận này.