Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quỹ bảo hiểm y tế chi cho tuyến y tế cơ sở ngày càng tăng

Ngân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại tuyến huyện và tuyến xã có xu hướng tăng lên.

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, mức chi từ Quỹ BHYT cho khám chữa bệnh tuyến huyện tăng 1,8 lần so với năm 2015.

Qua thống kê của cơ quan bảo hiểm, số lượng thẻ BHYT được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở tăng 10% so với năm 2017. Năm 2018, số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, năm 2017 là 2.167 cơ sở, trong đó có 1.243 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, 239 y tế cơ quan và gần 10.000 trạm y tế xã. Năm 2018, số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 2.316, trong đó có 1.407 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, 211 y tế cơ quan và gần 10.000 trạm y tế xã.

Cụ thể, chi phí khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã có xu hướng gia tăng; còn chi phí khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện tăng rất mạnh. Trong đó, năm 2016 gấp rưỡi năm 2015, năm 2017 gấp hơn hai lần năm 2015. Chi phí bình quân/lượt tại tuyến xã, huyện tăng mạnh qua các năm, trong đó chi phí bình quân tuyến xã của 6 tháng đầu năm 2018 gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp rưỡi so với năm 2016. Chi phí bình quân tuyến huyện 6 tháng đầu năm 2018 gấp 1,8 lần so với năm 2015. Đặc biệt, cơ cấu chi phí đang có sự dịch chuyển tỷ lệ chi khám chữa bệnh từ tuyến T.Ư xuống tuyến huyện (năm 2015 tỷ lệ chi tại tuyến T.Ư chiếm 22,4%; năm 2017 chiếm 18% tổng chi khám chữa bệnh các tuyến). Trong khi đó, chi phí khám chữa bệnh tuyến tuyện, xã gia tăng (26,3% năm 2015 tăng lên 31,3% năm 2017). Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, hệ thống y tế cơ sở phát triển, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân được tăng cường; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Người dân không phải đi lại tốn kém lên tuyến trên, gây quá tải và phải chờ đợi dẫn đến sự không hài lòng. Tuy nhiên, bà Minh cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở cũng tồn tại những vướng mắc nhất định. Cụ thể, chính sách khám chữa bệnh thông tuyến làm giảm số người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã. Bên cạnh đó, chính sách tự chủ tài chính bệnh viện thúc đẩy các bệnh viện thu dung người bệnh, không phụ thuộc bệnh đó có thể điều trị tại tuyến nào; không có quy định nhằm hạn chế khám chữa bệnh thông thường tại các bệnh viện tuyến trên; quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế tại tuyến cơ sở chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.