Kinhtedothi - Trước những ý kiến tranh cãi khá gay gắt về các quy định hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần; học sinh (HS) làm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản (HĐTQ)… trong dự thảo Điều lệ trường Tiểu học mà Bộ GD&ĐT đang đưa ra lấy ý kiến; đặc biệt là băn khoăn liệu những quy định này có khả thi khi áp dụng tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học đang đưa ra lấy ý kiến dư luận có nội dung về chức danh chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách HĐTQ được cho là không hợp lý. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Thực ra, Điều lệ trường Tiểu học mới không quy định là đổi chức danh lớp trưởng, lớp phó thành chủ tịch hay phó chủ tịch HĐTQ. Hai chức danh liên quan đến HĐTQ nằm trong mô hình Trường học mới (VNEN). Hiện nay, trong hệ thống giáo dục tiểu học tồn tại 3 mô hình trường học, trong đó có mô hình VNEN và chức danh chủ tịch và phó chủ tịch HĐTQ nằm trong mô hình này. Trong dự thảo Điều lệ trường Tiểu học, Bộ không quy định “cứng” chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐTQ đối với tất cả các trường mà cho phép các trường tham gia mô hình VNEN. Việc thực hiện mô hình này được triển khai trên tinh thần tự nguyện, nơi nào đủ điều kiện thì thực hiện, nơi nào chưa tự tin toàn bộ thì có thể áp dụng từng phần của mô hình, không chạy theo phong trào, không mang tính bắt buộc trên toàn quốc.
Rất nhiều phụ huynh phản đối quy định chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐTQ vì việc này sẽ khiến HS ganh đua không lành mạnh, dẫn tới tự kiêu, thưa ông?
- Các cháu ganh đua để bạn bầu chức danh là đúng đắn. Từ chỗ để được bầu chức danh này, các cháu sẽ ngoan hơn, chịu khó học hành, học giỏi hơn, biết giúp đỡ các bạn, biết tự chủ, tự tin hơn… Tôi cho rằng, sẽ không có chuyện các cháu tự kiêu ở đây.
Theo dự thảo, mỗi lớp tiểu học không quá 35 HS. Trong khi thực tế ở một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, sĩ số lớp học thường 50 - 60 HS/lớp, liệu quy định này có phù hợp?
- Quy định 35 HS/lớp là phù hợp. Với các trường ngoại thành Hà Nội đã đạt được con số này, ở nội thành chỉ rơi vào một số trường ở một số quận như Đống Đa, Cầu Giấy... dù mấy năm gần đây, các quận đã phấn đấu xây dựng thêm trường mới. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, di dân đông, có xây dựng thêm trường nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Đây không phải chuyện mới, nhưng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu để đạt mục tiêu này.
Vậy quy định hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần có phù hợp không, bởi việc này khiến lãnh đạo các nhà trường hạn chế thời gian cho việc quản lý, điều hành, trong khi giáo viên (GV) chính lại bớt đi giờ lên lớp?
- Tôi cho rằng, điều này là cần thiết để lãnh đạo không xa rời chuyên môn và có những phương pháp điều chỉnh phù hợp cho GV. Việc giảng dạy này sẽ giúp hiệu trưởng nắm vững chương trình và hiểu rõ những khó khăn mà GV gặp phải trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, theo tôi, có thể làm “mềm” quy định, ví dụ, lãnh đạo trường có thể dạy thay cho GV bị ốm, hoặc tăng cường dự giờ (đối với trường có đủ GV)…, việc này tương ứng với quy định, như thế sẽ phù hợp hơn.
Dự thảo quy định chuẩn GV tiểu học là trung cấp có quá thấp so với yêu cầu chất lượng GV tiểu học hiện nay?
- Quy định này đúng là không cao, nhưng hiện nay, GV còn thiếu, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ở những khu vực thuận lợi cần trình độ cao hơn, yêu cầu phải có trình độ cao đẳng. Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần có thêm những quy định động viên GV nâng cao trình độ để tiến tới nâng cao chuẩn GV tiểu học trong thời gian không xa.
Xin cảm ơn ông!