Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Đường bộ

Quy định chặt chẽ việc đặt biển quảng cáo trên đường

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại phiên làm việc sáng 21/5 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đường bộ.

Bổ sung đường tốc độ cao để tổ chức giao thông phù hợp

Góp ý vào Dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn tỉnh Bình Định) quan tâm đến điều 10 quy định cấp kĩ thuật của đường bộ. Theo đó, tại khoản 2 điều này quy định đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn tỉnh Quảng Nam) cho rằng, điều 18 về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo và biển tuyên truyền, Dự thảo Luật quy định, việc lắp đặt biển tuyên truyền phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, không được che khuất biển báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì đường bộ, không ảnh hưởng đến an toàn công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, an toàn đường bộ.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, biển tuyên truyền có ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ, an toàn giao thông như biển quảng cáo, vì vậy, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa đối với việc xây dựng, lắp đặt biển tuyên truyền.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội)

Không nên quy định chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, khoản 12 điều 12 quy định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị theo từng loại hình đô thị là quá chi tiết; có nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai. Do đó, đại biểu đề nghị trong Dự thảo Luật không nên quy định quá chi tiết tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc sử dụng phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung giờ nhất định để hạn chế sử dụng quá mức phương tiện ô tô cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị; đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5 của Kỳ họp thứ 7
Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5 của Kỳ họp thứ 7

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn TP Hà Nội) quan tâm đến quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý. Đại biểu đồng tình với đề xuất đưa đường thôn xóm ở nông thôn và đường ngõ ngách, kẹt, hẻm ở đô thị vào phạm vi để thực hiện quản lý Nhà nước. Tuy nhiên làm rõ khái niệm đường khác thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn quy định tại khoản 4 điều 5 của dự thảo luật có bao gồm đường xã và đường thôn xóm được quy định tại điều 8 hay không.

Về phát triển phương án phát triển đường bộ đô thị bao gồm đường ngõ ngách, kẹt, hẻm được xác định trong quy hoạch hạ tầng đô thị và quy hoạch khác có liên quan, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị cân nhắc thêm quy định như dự thảo luật, không nên quy hoạch phát triển các đường ngõ, ngách, kẹt, hẻm, mà cần quan tâm quản lý hệ thống đường này ở đô thị hiện trạng để đảm bảo an toàn giao thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến của đại biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến của đại biểu

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới điểm lại các nhóm nội dung các đại biểu Quốc hội đã nêu như: bổ sung quy định về xe hợp đồng; vấn đề quy hoạch, kết nối; vốn đầu tư đường bộ; xe điện chở khách du lịch; quy chuẩn tiêu chuẩn đường cao tốc; đường thôn xóm; bổ sung điều cấm; kinh doanh vận tải đường bộ, thẩm quyền đặt tên đường bộ, đường trên cao, đường ngầm, kết cấu hạ tầng đường bộ, phí sử dụng đường bộ trong nội đô; lắp đặt biển tuyên truyền quảng cáo, dữ liệu, trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí ngừng hoạt động, tổ chức giao thông…

Nhấn mạnh, đây đều là các ý kiến thực tế và toàn diện về pháp luật và kĩ thuật lập pháp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến phát biểu và sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.