Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định chế độ hợp đồng có thời hạn với viên chức tuyển mới: Vẫn băn khoăn tính khả thi

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ tạo tâm lý làm việc tạm thời, khiến viên chức không hết mình với công việc.

 Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hải Linh

Hai phương án
Trong giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự Luật lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Có 2 phương án được đưa ra khi bàn về nội dung này. Trong đó, phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phương án 2, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” thì nên lựa chọn phương án 1.
Một số ý kiến lo ngại, thực tế, đơn vị sử dụng viên chức không ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo tâm lý làm việc tạm thời.
Một số ý kiến cho rằng, đây là đề xuất nhằm mục đích nâng cao chất lượng viên chức. Bởi bất cứ ngành nghề nào cứ bám lấy việc vào rồi là yên tâm không phải ra nữa, tạo nên sức ì rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, các ĐB vẫn băn khoăn khi phương án 1 mâu thuẫn trực tiếp với khoản 3, Điều 20, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đó là “trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn”.
Theo ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi (đoàn Cần Thơ), vẫn chưa có so sánh nào cho thấy, việc chuyển đổi từ hình thức ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn sang loại hợp đồng có thời hạn đối với viên chức sẽ tạo thêm động lực để nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ này. Hơn nữa, quy định có thể cũng tác động đến hiệu quả quản lý, điều hành cũng như hiệu quả hoạt động, tính ổn định lâu dài tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Cân nhắc toàn diện
ĐB Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) đề xuất lựa chọn phương án 2, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn tối đa hai lần sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn nhằm giúp người lao động ổn định công việc và được hưởng đầy đủ các chế độ. Hơn nữa, phương án này cũng bảo đảm được các yêu cầu của Nghị quyết T.Ư, khi người lao động không đủ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, ngay trong thời gian đang làm hợp đồng có thời hạn, đơn vị sử dụng lao động có thể không tiếp tục ký hợp đồng lao động; được quyền tuyển chọn lao động mới. Nếu lao động có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc thì nên ký hợp đồng không thời hạn để họ yên tâm công tác.
Cho rằng một trong những việc sống còn của đơn vị tự chủ, đơn vị sự nghiệp công lập là phải lựa chọn được những viên chức có chất lượng, có năng lực, ĐB Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng) cũng đồng tình lựa chon phương án 2 để bảo đảm tính tương thích với Bộ luật Lao động hiện hành và dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tạo môi trường làm việc gắn bó viên chức đối với đơn vị.
Một số ý kiến khác cho rằng, quy định này nếu ban hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ viên chức trên cả nước, vì vậy cần cân nhắc toàn diện mọi khía cạnh, lựa chọn phương án thực sự thấu đáo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cũng như quyền lợi chính đáng của viên chức. Đồng thời, việc phát huy năng lực của viên chức, khắc phục tình trạng trì trệ, sức ì lớn, không phát triển được hiệu quả làm việc còn nằm ở phương pháp quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, chứ không phải do hình thức hợp đồng lao động. Thực tế, đã có quy định về việc buộc thôi việc đối với viên chức yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.