Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn: Góp phần siết chặt kỷ cương hành chính

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội vừa được trình lãnh đạo UBND TP xem xét ban hành. Nhiều quy định về tình trạng nói ngọng, nói lắp, dùng mạng xã hội… đã được đưa ra trong quy định này.

Nhấn mạnh ý thức phát ngôn

Theo ông Ngô Nam – Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa gia đình, Sở VH&TT Hà Nội, Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn không chỉ dành cho cán bộ có thẩm quyền phát ngôn cho báo chí, mà áp dụng để chấn chỉnh cách nói năng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mọi tình huống giao tiếp. Sau nhiều lần xây dựng và chỉnh sửa, bản dự thảo Quy định mới nhất vừa trình lãnh đạo UBND TP xem xét có 3 chương, 9 điều; trong đó đáng chú ý là có những quy định: Không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân. “Cán bộ có quyền sử dụng “phây búc”, nhưng không được mang những quan điểm cá nhân, đi ngược quan điểm chính sách lên mạng xã hội” – ông Nam nhấn mạnh. Theo ông Nam, cán bộ, viên chức, người lao động của TP Hà Nội chỉ nên dùng facebook để giao lưu bạn bè, tránh bình luận đưa thông tin phiến diện về lĩnh vực mình phụ trách lên mạng xã hội.

Học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, dự thảo còn yêu cầu hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương. PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho rằng về mặt lý thuyết quy định này đúng, nhưng cần có biện pháp khả thi. Bởi Hà Nội là nơi hội tụ bốn phương, không thể yêu cầu cán bộ quê ở các tỉnh miền Trung không nói giọng địa phương, hoặc cán bộ quê gốc Bắc Ninh, Hưng Yên phải nói chuẩn chữ “l”, “n”… Theo PGS Bình, quy định này chỉ khả thi khi Hà Nội mở lớp cho cán bộ rèn luyện ngôn ngữ, hoặc từ khi tuyển chọn cán bộ, đặc biệt các vị trí quan trọng, thường xuyên giao tiếp cần đưa yêu cầu hình thức thể hiện ngôn ngữ.

Dù ông Ngô Văn Nam cho rằng quy định này chỉ hạn chế để các cán bộ công chức ý thức hơn khi phát ngôn, nhưng đây vẫn là quy định khá nhạy cảm. Còn nhớ, cuối năm 2016, khi Sở VH&TT công bố dự thảo Quy tắc ứng xử (QTƯX), những quy định không được dùng nước hoa quá nặng mùi, không xăm hình, mặc áo có cổ… khi đến cơ quan đã bị “tuýt còi” yêu cầu chỉnh sửa. Rất có thể, Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn sẽ phải đi lại con đường của bộ QTƯX lần trước, chỉnh sửa những nội dung quá cụ thể trước khi ban hành.

Quy định có chồng quy tắc?

Hiện nay ở các bộ, ngành, cơ quan đang có một loạt hệ thống quy tắc. Hà Nội mới ban hành 2 bộ QTƯX, trong đó hành vi ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc TP Hà Nội đều thuộc đối tượng phải điều chỉnh trong 2 bộ quy tắc này. Chính vì vậy, nhiều người lo ngại quy tắc chồng quy tắc sẽ khiến mọi người khó nhớ, khó hiểu và không hiệu quả. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Nam cho rằng, Hà Nội chưa có quy định nào cụ thể ăn mặc, chuẩn bị kiến thức, xử lý tình huống trong phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. QTƯX là quy định tổng quát, mang tính định hướng chung, còn Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn nếu được ban hành sẽ góp phần siết chặt kỷ cương hành chính của các cơ quan thuộc TP Hà Nội. 

Quy định này được Sở VH&T Hà Nội xây dựng dựa trên yêu cầu của UBND TP Hà Nội. Sở VH&TT đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế, lấy ý kiến của các ban ngành, đoàn thể, hoàn thiện các bản dự thảo, trình UBND TP xem xét ban hành hồi đầu tháng 10/2017. Nếu không có gì thay đổi, Quy định có thể được UBND TP ban hành trong thời gian tới.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội:
Không quy định nào bao quát mọi tình huống
“Không nên hiểu cán bộ thời nay thích ra quy định hơn cán bộ thế hệ trước, mà là yêu cầu của thực tế khách quan. Song, tôi nhấn mạnh rằng, không có quy định nào có thể bao quát được hết mọi tình huống giao tiếp trong đời sống xã hội” - TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội bày tỏ quan điểm trước thông tin Hà Nội chuẩn bị ban hành Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn.
Có ý kiến cho rằng vừa ban hành 2 bộ QTƯX, tiếp tục ban hành Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn sẽ chồng chéo. Ông có cùng quan điểm này?
- Tôi ủng hộ ra một bộ Quy định. Xã hội hiện đại làm cái gì cũng phải theo đúng quy chế, luật pháp. Có quy tắc, có quy định, thì sẽ rõ ai làm đúng được tuyên dương, ai làm sai bị nhắc nhở chê trách. Xã hội văn minh có quy chế quy định với công chức, phát ngôn, hành động… cho nó phù hợp với văn hóa ứng xử. Trong văn hóa Việt Nam có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nên hiểu lựa lời không phải là nịnh nọt, phải chọn ngôn ngữ cho phù hợp đúng với văn hóa Việt. Nhất là ở Thủ đô, nơi người ta gọi là thanh lịch, văn minh, thì trong lời ăn tiếng nói càng phải đúng. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh là không có quy định nào có thể bao quát được mọi tình huống của văn hóa xã hội. Trong xã hội hiện đại, mối quan hệ hoàn cảnh rất phong phú, tình huống có thể xảy ra lúc con người mệt mỏi, hết giờ làm việc hoặc người đến làm việc có hành vi thô lỗ khó chịu… Không Quy định nào lường trước hết hoàn cảnh đó. Mỗi con người phải rèn luyện lời nói, hành động phải đúng với quy định phát ngôn chuẩn mực, kính trên nhường dưới, hòa nhã lịch thiệp, không ngoa ngôn, lộng ngôn…
Nhìn lại cách đây khoảng 20 năm, thời kỳ ông làm lãnh đạo ngành văn hóa Thủ đô, không có nhiều quy chế, quy định được xây dựng và ban hành như thế này. Theo ông, vì lý do văn hóa Hà Nội xuống cấp hay vì lý do gì khác mà cần các quy tắc, quy định chấn chỉnh như vậy?
- Không nên cho rằng thời nay cán bộ thích ra quy định và cán bộ của thời tôi thì không, mà do yêu cầu thực tế khách quan. Tôi không thể nói thời kỳ chúng tôi cái gì cũng tốt hơn bây giờ. Xã hội ngày càng hiện đại, mặt tích cực nhiều lên và mặt tiêu cực có khi cũng nhiều hơn và thường người ta dễ nhìn thấy tiêu cực hơn tích cực. Quy tắc hay quy định phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế trong từng thời kỳ, không thời kỳ nào giống thời kỳ nào. Khi có quá nhiều vấn đề xã hội bức xúc, người làm văn hóa và cơ quan chức năng phải nghĩ ra quy định này, quy định kia để đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan.
Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của 2 bộ QTƯX đã được ban hành nửa năm qua?
- Tôi đã nghỉ hưu và không đủ thông tin để đánh giá, nhưng chắc chắn những quy tắc đã ban hành ít nhiều có tác dụng. Cũng như Quy tắc, tôi cho rằng Quy định chuẩn mực văn hóa phát ngôn cần nghiên cứu kỹ, nội dung phải đúng, không được trái với luật, càng không trái hiến pháp, phải có tính khả thi. Khi ban hành quy định phải có cơ chế hướng dẫn thực hiện, có kiểm tra, kiểm soát xem ai thực hiện tốt, ai không thực hiện tốt. Ra quy định mà cất vào ngăn kéo thì sẽ là bệnh giấy tờ, bệnh hình thức.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lan thực hiện