70 năm giải phóng Thủ đô

Quy định công nhận liệt sỹ trong thời bình phải chặt chẽ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 11/8, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Thừa Ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 29/8/1994. Từ đó đến nay đã 6 lần sửa đổi và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trình Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Theo Bộ trưởng, sửa đổi Pháp lệnh lần này xuất phát từ các yêu cầu sau: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng được nêu tại các văn bản của Đảng qua các thời kỳ; giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng; nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ, chính sách; bổ sung chính sách ưu đãi đối với thân nhân người có công với cách mạng…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, Chính phủ đã cho ý kiến toàn diện về dự thảo Pháp lệnh (sửa đổi) nhất là những vấn đề mới, những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Một số nội dung cụ thể, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể như: Về bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Chính phủ đã bổ sung trong Dự thảo Pháp lệnh chính sách trợ cấp đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Song quá trình lấy ý kiến rất khác nhau, chưa nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan chuyên môn về cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đặc biệt, về công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), sau khi xem xét, Chính phủ tiếp thu và sửa đổi tại Điều 14 của Dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang tôn vinh, khen thưởng Huân chương, Huy chương và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng.
Về vấn đề công nhận liệt sỹ trong thời bình, cơ quan thẩm tra là Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội có hai loại ý. Ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ, sửa đổi theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. “Đa số ý kiến Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất, vì cho rằng việc bổ sung tính chất công việc, hiệu ứng của hành động và nâng mức độ dũng cảm, cứu người, cứu tài sản, sẽ đảm bảo điều kiện chặt chẽ hơn, xứng đáng hơn” - Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết.
Về vấn đề bệnh binh trong thời bình, Ủy ban này thống nhất với Dự thảo vì quân nhân, công an Nhân dân đều tham gia đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, khi các đối tượng này bị mắc bệnh, bị suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo pháp lệnh những nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách hoặc Chính phủ phải quy định chi tiết.
 Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc công nhận liệt sĩ, thương binh trong thời bình phải rà soát chặt chẽ tiêu chuẩn vì đây là sự tôn vinh chứ không chỉ là vấn đề trợ cấp. Bởi nếu tôn vinh không đúng thì có tác động ngược trở lại.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đề nghị nghiên cứu kỹ và làm rõ "đạo lý của vấn đề". "Liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu thì rõ ràng nhưng thời bình này không quy định chặt chẽ thì việc ai cũng đề nghị, bất cứ sự mất mát nào cũng đề nghị liệt sĩ thì phải cân nhắc”- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng trường hợp đặc biệt dũng cảm, thực hiện công việc cấp bách cứu tài sản của Nhân dân, nhà nước thì trường hợp đó mới có tôn vinh, hình ảnh mới lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Do đó, đề nghị phải quy định rất chặt chẽ. Trường hợp nào chưa rõ thì như pháp lệnh cũ.