Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị ngụy trang, ghi âm, ghi hình, định vị

Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 66/2017/NĐ-CP, ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ, quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Dự thảo đề xuất cụ thể thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị:

1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị cho cơ sở kinh doanh trực thuộc Bộ Công an; cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị cho các cơ sở kinh doanh trực thuộc Công an địa phương trong phạm vi địa bàn quản lý; các cơ sở kinh doanh không thuộc quy định tại khoản 1 nêu trên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh định kỳ không quá 1 lần/năm

Theo dự thảo Thông tư, cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị theo phương thức định kỳ không quá một lần trong một năm hoặc đột xuất.

Việc kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, liên quan đến an ninh trật tự; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh; phục vụ tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Nội dung kiểm tra bao gồm:

a) Kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ pháp lý; nội dung kinh doanh ghi trong Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh với thực tế của cơ sở đang hoạt động;

b) Kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định số 66/2017/NĐ-CP, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

c) Kiểm tra thông tin về người và phương tiện, sản phẩm kinh doanh, dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị theo quy định của pháp luật;

Kết thúc kiểm tra phải lập biên bản (theo mẫu quy định thống nhất của Bộ Công an) ghi rõ kết quả và tồn tại hoặc vi phạm (nếu có).

Thẩm quyền kiểm tra:

a) Cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có thẩm quyền kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất.

b) Khi phát hiện cơ sở kinh doanh có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh trật tự cần phải xử lý ngay; có đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến an ninh, trật tự trong cơ sở kinh doanh trên địa bàn do mình quản lý:

- Việc kiểm tra của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục nghiệp vụ, chỉ thực hiện sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an.

- Việc kiểm tra của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an địa phương, chỉ thực hiện khi có ý kiến của Giám đốc Công an địa phương.

Đồng thời, trong quá trình kiểm tra các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an đơn vị, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ sở kinh doanh này.

c) Công an các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự cần tiến hành kiểm tra đột xuất thì phải được thủ trưởng cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên phê duyệt bằng văn bản hoặc có văn bản chỉ đạo của Công an cấp trên.