70 năm giải phóng Thủ đô

Quy định hài hòa để giữ giá trị kiến trúc truyền thống

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động kiến trúc vừa mang tính khoa học, vừa mang tính sáng tạo nghệ thuật, nên luật điều chỉnh hoạt động này khó có thể đáp ứng hết các yêu cầu đề ra. Phương án khả thi hơn cả là cân đối hài hòa các yêu cầu, nhằm vừa thiết lập trật tự quản lý, vừa tạo điều kiện phát triển hoạt động kiến trúc. Đó là quan điểm được các đại biểu, chuyên gia đưa ra khi góp ý cho Dự án Luật Kiến trúc.

 Nhà hát lớn Hà Nội - công trình mang dấu ấn kiến trúc xuyên thế kỷ. Ảnh: Thanh Hải
Để kiến trúc có bản sắc

Quản lý hoạt động kiến trúc là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong Dự Luật. Trong đó, bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động kiến trúc là một nội dung mới được bổ sung vào Dự Luật, trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Dự Luật quy định, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong các hoạt động kiến trúc. Các tiêu chí để xác định bản sắc văn hóa dân tộc cũng được quy định cụ thể gồm sự phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục, tôn giáo, tập quán; phương pháp, kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu; phong cách, bố cục và chi tiết, họa tiết kiến trúc. Và bên cạnh những tiêu chí khung này, để phù hợp với điều kiện thực tế, Dự Luật cũng quy định, UBND cấp tỉnh căn cứ các tiêu chí khung sẽ cụ thể hóa trong Quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với vùng, miền, địa phương của mình quản lý.

Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản theo thông lệ lập pháp thế giới, Dự Luật Kiến trúc cũng xác định việc kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Từ góc nhìn của người trực tiếp hành nghề, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết, các kiến trúc sư đều đồng ý đưa nguyên tắc này vào Dự Luật, vì đúng là rất cần một nền kiến trúc có bản sắc. Cùng với đó, việc Dự Luật quy định về bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị là một bước tiến trong hệ thống pháp luật hiện hành, mới chỉ công nhận bảo vệ về bản quyền bản vẽ thiết kế, chưa chú trọng bảo vệ giá trị công trình trong quá trình sử dụng.

Quy định mở, không “triệt tiêu” sáng tạo

Tạo dựng một nền kiến trúc có bản sắc là mong muốn của người xây dựng luật và cả người thực thi Luật. Khi góp ý Dự Luật, đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, khi thiết kế một công trình, kiến trúc sư ở nước ta khó có thể đi ra ngoài những trường phái kiến trúc chính trên thế giới. Nhiều đô thị phát triển trên thế giới cũng chỉ giữ các di sản ở khu vực riêng, còn sẽ hình thành một khu vực mới. Để xây dựng công trình theo các trường phái kiến trúc hiện đại hiện nay, tất nhiên có tính toán đến sự phù hợp về địa hình, địa chất của khu vực. Nếu ấn định phải bắt buộc gìn giữ và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ làm khó các kiến trúc sư, cũng như sự phát triển của đô thị.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhận định, rất khó có thể đưa ra một thiết kế điển hình, hay xác định rõ bản sắc kiến trúc với một nền văn hóa đa dạng, phong phú của nước ta. Đồng thời cũng không thể áp dụng rập khuôn mô hình mái ngói hay đình chùa trong tất cả các công trình. Dự Luật không quy định mang tính bắt buộc các cá nhân, tổ chức hành nghề phải đưa bản sắc văn hóa truyền thống vào bản vẽ thiết kế, mà chỉ quy định nhằm xác định rõ nội dung này là hướng đi phù hợp. Với quy định mở, Dự Luật sẽ không làm khó kiến trúc sư, trong khi vẫn giúp phát huy tính sáng tạo.

Một thực tế cũng được chỉ ra là tình trạng kiến trúc lộn xộn ở một số địa bàn hiện nay có nguyên nhân do chủ đầu tư can thiệp sâu vào quá trình làm việc của kiến trúc sư, không tuân thủ các nguyên tắc về thiết kế công trình, không gian, đô thị chung. Bởi thế, việc cân nhắc đưa quy định phù hợp về mức độ, phạm vi áp dụng các giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động kiến trúc là vấn đề được đặt ra.