Thậm chí, có người còn cho rằng, nếu các ông bầu tìm được tiếng nói chung trong làm bóng đá thì trật tự sẽ được lập lại ở bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, có một kết luận mà lâu nay dư luận vẫn nhắc nhau là "đừng tin ông bầu nói, hãy xem ông bầu làm".
Đầu mùa giải, các ông bầu VPF đã đưa ra tuyên bố rất được hoan nghênh là "không chế mức thưởng cho một trận đấu". Theo đó, các ông bầu không được thưởng quá 500 triệu đồng cho một trận thắng. Tiếp đó, một số ông bầu còn tuyên bố không mua cầu thủ nào quá 5 tỷ đồng.
Những tuyên bố hùng hồn đó đã khiến dư luận xôn xao. Ai cũng cả mừng vì từ nay làng bóng đá sẽ bớt nhốn nháo. Nhưng cuối cùng, những kế hoạch đầy màu hồng đó đã được các ông bầu vứt bỏ vì toan tính riêng. Những ông bầu hồ hởi và mạnh miệng ủng hộ kế hoạch thắt chặt tiền thưởng lại là người vi phạm luật chơi đầu tiên. Từ bầu Trường đến bầu Thụy, qua bầu Đức, bầu Thắng, người ta cứ vô tư thưởng cho một trận thắng cả tỷ đồng.
Bây giờ, trong cuộc khủng hoảng kinh tế, ngân sách dành cho bóng đá ngày một eo hẹp, các ông bầu lại đưa ra sáng kiến, "quy định lương trần" cho bóng đá Việt Nam. Rằng, các đội bóng không được trả lương cho cầu thủ quá 20 triệu đồng/tháng. Tiền chi cho ngoại binh cũng nên được cắt gọn. Có như vậy, các ông bầu mới tránh khỏi tình trạng bội chi và đủ sức theo đuổi bóng đá lâu dài.
Tuy nhiên, ngay khi ý tưởng "vì bóng đá, vì ông bầu" đó được đưa ra, không ít người đã hoài nghi về tính khả thi của nó. Thậm chí, có ông bầu còn nói thẳng rằng, "tôi chẳng tin những gì các ông bầu nói. Họ nói mua thấp, nhưng lại sẵn sàng đi đêm để đạt được mục đích của mình".
Bây giờ, các ông bầu không còn ngây thơ đến mức, tin mọi lời hứa có cánh mà đồng nghiệp đưa ra. Họ nói rằng, chuyện bóng đá hãy để bóng đá điều chỉnh. Rằng, thị trường chuyển nhượng nên để quy luật thị trường chi phối. Nếu anh đủ sức thì hãy chơi, bằng không, nên tìm kiếm cho mình một con đường khác để quảng bá thương hiệu. Hơn thế nữa, không nên đặt ra một kế hoạch dù có ý nghĩa cao cả đến thế nào nhưng chẳng thể thực hiện thành công.