Quy định mới đối với lái tàu, nhân viên gác chắn đường sắt. |
Cụ thể, đối với lái tàu (đường sắt quốc gia), tiêu chuẩn chung gồm: có giấy phép lái tàu, có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; riêng trường hợp lái đoàn tàu chở hàng mà không bố trí trưởng tàu thì phải được bồi dưỡng nghiệp vụ trưởng tàu, có chứng chỉ đào tạo trưởng tàu hàng.
Lái tàu có các nhiệm vụ: thực hiện đúng các quy định liên quan đến phạm vi công tác của mình; thành thạo quy trình tác nghiệp của ban lái tàu, phương pháp sử dụng đầu máy, tình hình cầu đường, vị trí tín hiệu và biểu đồ chạy tàu; vận hành đầu máy an toàn, không vượt quá tốc độ quy định, theo đúng lịch trình của biểu đồ chạy tàu, mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu…
Đáng chú ý, đối với trường hợp lái đoàn tàu mà không bố trí trưởng tàu (đầu máy chạy đơn, đoàn tàu hàng sử dụng thiết bị đuôi tàu mà không bố trí trưởng tàu), cùng với tuân thủ các quy định chung về nhiệm vụ của lái tàu, lái tàu còn phải thêm các nhiệm vụ: là người chỉ huy cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn chạy tàu; khi tàu qua mỗi ga, phải xác nhận tàu nguyên vẹn qua bộ thiết bị tín hiệu đuôi tàu; thử hãm đoàn tàu trong trường hợp tàu dừng ở dọc đường quá 20 phút hoặc tại các ga không có trạm khám xe có cắt móc toa xe…
Tuy nhiên, so với hiện nay, lái tàu trong trường hợp này không còn phải thực hiện nhiệm vụ: "Ghi chép kịp thời, đầy đủ, chính xác thành phần, tần số đoàn tàu, giờ tàu đi, đến, thông qua, dừng trong khu gian và các sự việc phát sinh có liên quan khác vào nhật ký tàu và các biểu báo quy định".
Về quyền hạn của lái tàu: có quyền từ chối cho đầu máy, cho tàu chạy nếu xét thấy đầu máy, tàu chưa đủ điều kiện an toàn cần thiết; đình chỉ công tác đối với phụ lái tàu khi có hành vi vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt…
Đối với nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung, thông tư mới cơ bản giữ nguyên tiêu chuẩn đầu vào như hiện nay, song cụ thể và nới rộng hơn về điều kiện là chỉ cần có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn trình độ sơ cấp trở lên về đường sắt, cầu đường sắt, gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt.
Cùng đó, có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; có thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động và đạt yêu cầu kiểm tra của doanh nghiệp sử dụng lao động về nghiệp vụ.
Nhân viên gác chắn đường ngang có các nhiệm vụ: đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, chắn đường bộ; kiểm tra, bảo quản trang thiết bị chắn đường ngang, cầu chung; khi phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông đường sắt có trách nhiệm kịp thời báo cho ga gần nhất, lãnh đạo cấp trên trực tiếp; ghi chép đầy đủ nhật ký đường ngang, cầu chung; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về đường ngang, cầu chung…
Về quyền hạn, nhân viên gác chắn được quyền báo hiệu dừng tàu trong trường hợp khẩn cấp uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu; dừng phương tiện giao thông đường bộ. So với hiện nay, quy định mới cho phép nhân viên gác chắn chủ động hơn trong các tình huống dừng phương tiện giao thông đường bộ. Bởi hiện nay, nhân viên gác chắn chỉ được: "Dừng phương tiện giao thông đường bộ khi khu vực đường ngang, cầu chung không đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại".