Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định mới hưởng trợ cấp tuất hàng tháng từ 1/7/2025

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức tham chiếu, áp dụng từ ngày 1/7/2025.

Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức tham chiếu.

Để triển khai quy định trợ cấp tuất hàng tháng, Bộ LĐTB&XH đề xuất hướng dẫn thực hiện như sau:

- Trường hợp, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chết mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (đủ 15 năm) thì thân nhân của người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức đóng hàng tháng bằng 22% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi chết (hoặc trước khi nghỉ việc đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) để giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng. Trường hợp thân nhân của người lao động không đóng cho số tháng còn thiếu thì giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần.

Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức tham chiếu, áp dụng từ ngày 1/7/2025. Ảnh: Xuân Cường.
Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức tham chiếu, áp dụng từ ngày 1/7/2025. Ảnh: Xuân Cường.

- Việc xác định thân nhân của người lao động thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội và được Bộ LĐTB&XH hướng dẫn như sau:

+ Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của người lao động là kết thúc ngày cuối cùng của tháng người lao động chết.

+ Trường hợp hồ sơ của thân nhân người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh để xác định tuổi của thân nhân người lao động làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng.

+ Việc xác định tình trạng thân nhân người lao động để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội được xác định tại tháng người lao động chết. Trường hợp sau đó tình trạng của thân nhân người lao động có sự thay đổi thì không căn cứ vào đó để xem xét lại việc giải quyết chế độ tử tuất.

+ Việc thực hiện giám định mức suy giảm khả năng lao động của thân nhân người lao động để hưởng trợ cấp tuất hàng tháng phải đảm bảo thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội.

- Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức tham chiếu quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau:

+ Tất cả các con đều chưa đủ 18 tuổi mà cả cha và mẹ chết;

+ Cha đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, mẹ đã chết mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Mẹ đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, cha đã chết mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Vợ đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

+ Chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Trường hợp có từ 2 người chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết trở lên thì thân nhân được hưởng 2 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Đối với trường hợp thân nhân đã được giải quyết hưởng 2 lần mức trợ cấp tuất hàng tháng mà tổng mức hưởng thấp hơn mức tham chiếu thì thân nhân vẫn thuộc diện được giải quyết hưởng 1 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội.