Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định mới: Siết chặt cấp bằng lái, sửa việc "đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng"

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt quy định mới có hiệu lực trong tháng 12/2019 sẽ ảnh hưởng, tác động đến hàng triệu người.

Ảnh minh họa
Siết quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe
Từ 1/12, Thông tư 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực.
Theo đó, chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2, C có thêm: Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Trung tâm sát hạch lái xe lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải từ ngày 1/1/2020; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 1/1/2021.
Từ 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1).
Từ 1/6/2020, cấp Giấy phép lái xe mới có mã QR. Giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn sẽ có giá trị sử dụng theo thời gian ghi trên giấy phép.
Tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên 
Cũng từ 1/12, Quyết định 1656/QĐ-TTg có hiệu lực. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chốt mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng thay vì 1,5 triệu đồng/tháng như trước.
Lãi suất cho vay ưu đãi là 0,55%/tháng và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Để được vay tiền, học sinh, sinh viên năm nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh, sinh viên từ năm hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học…
Tăng 10 lần mức phạt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Từ 1/12, Nghị định 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực.
Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định này là tăng mức phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh gấp 10 lần.
Cụ thể, nếu như trước đây, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức, thì kể từ ngày 1/12/2019, mức phạt được tăng lên 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.
Thu, hủy CMND hỏng, bong tróc
Trình tự cấp thẻ Căn cước công dân đã được Bộ Công an sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 48/2019/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 1/12/2019.
Thông tư này quy định, khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ phụ trách sẽ thu Chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại trong công dân trong trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ Căn cước công dân qua chuyển phát nhanh.
Với những Chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Việc thu, hủy chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc là điểm mới so với quy định trước đây.
Quy định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố
Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ 1/12, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể về tội khủng bố như sau:
Trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội vừa có dấu hiệu của tội khủng bố vừa có dấu hiệu của tội phạm khác nhẹ hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố.
Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi phạm tội, trong đó có hành vi có dấu hiệu tội khủng bố, có hành vi có dấu hiệu của tội phạm khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố và tội phạm khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố mà tùy từng trường hợp cụ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
5 mức tiền ăn đối với HLV, VĐV thể thao trong quân đội
Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 164/2019/TT-BQP quy định tiêu chuẩn, định lượng, mức tiền ăn, tiền thuốc bổ thường xuyên đối với huấn luyện viên, vận động viên và giáo viên thể dục, thể thao trong Quân đội.
Theo đó, có 5 mức tiền ăn và tiền thuốc bổ, với mức cao nhất là 115.000 đồng/người/ngày tiền ăn và 23.000 đồng/người/ngày tiền thuốc. Mức thấp nhất là 78.000 đồng/người/ngày tiền ăn, tùy theo thứ hạng, đẳng cấp.
Đối tượng áp dụng quy định này trong cùng một thời gian được hưởng nhiều mức tiền ăn, tiền thuốc bổ thì chỉ được hưởng một mức tiền ăn, tiền thuốc bổ cao nhất. Riêng huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tham gia đội tuyển quốc gia vẫn được bảo đảm mức tiền ăn và tiền thuốc bổ thường xuyên quy định tại Thông tư này.
Đối với huấn luyện viên, vận động viên bị chấn thương, trong thời gian điều trị và khi điều trị lành vết thương trở lại luyện tập được hưởng mức tiền ăn, tiền thuốc bổ như trước khi bị chấn thương; trường hợp thi đấu trở lại, nhưng không giữ được hạng, đẳng cấp thì theo điều kiện cụ thể Tổng Tham mưu trưởng xem xét, quyết định mức tiền ăn, tiền thuốc bổ đối với huấn luyện viên, vận động viên (nhưng không được cao hơn mức tiền ăn, tiền thuốc bổ trước khi bị chấn thương).
Tiêu chuẩn tiền thuốc bổ chỉ áp dụng đối với huấn luyện viên, vận động viên; không áp dụng tiêu chuẩn tiền thuốc bổ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy thể dục, thể thao ở các học viện, nhà trường trong Quân đội và Trung tâm huấn luyện Miếu Môn thuộc Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2019.
Đổi dưới 1.000 USD tại tiệm vàng chỉ còn bị phạt từ cảnh cáo
Trong ngày cuối cùng của năm 2019, Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ có hiệu lực.
Nghị định này giảm mạnh mức phạt đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại các tổ chức không được phép.
Cụ thể, thay vì một mức phạt chung là từ 80 - 100 triệu đồng, Nghị định quy định mức phạt đối với hành vi này phụ thuộc vào lượng ngoại tệ mua, bán. Trong đó: Phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD; Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 - 10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 mà tái phạm, vi phạm nhiều lần; Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 - 100.000 USD; Phạt tiền từ 80 - 100.000 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên.