Quy định mới từ 3/2019: Xóa bỏ sổ khám bệnh giấy, thay thế biểu mẫu đăng ký kinh doanh

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ hôm nay (1/3/2019) các cơ sở y tế bắt đầu sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh bằng giấy. Trong khi đó, việc trao nhầm trẻ sơ sinh hay để sản phụ tử vong được coi là sự cố y khoa nghiêm trọng.

Xóa bỏ số khám bệnh giấy từ ngày 1/3/2019
Mỗi người bệnh chỉ có một bệnh án điện tử
Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, mỗi người bệnh được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu như: Ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ.
Bệnh án điện tử khi hoàn thiện sẽ giúp thực hiện bệnh viện không sử dụng giấy tờ, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bệnh án điện tử toàn diện cập nhật các thông tin của bệnh nhân trong quá trình khám sức khỏe, sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người.
Theo Bộ Y tế quy định về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử: Giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định.
Giai đoạn từ năm 2024 đến 2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai được phải báo cáo cho cơ quan quản lý trực thuộc.
Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Ảnh minh họa: Vụ trao nhầm trẻ sơ sinh tại Ba Vì.
Trao nhầm trẻ sơ sinh là sự cố y khoa nghiêm trọng
Thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
Theo đó, Bộ Y tế vừa thống kê Danh mục sự cố y khoa nghiêm trọng, trong đó trao nhầm trẻ sơ sinh được xếp là sự cố nghiêm trọng liên quan đến quản lý người bệnh.
Sự cố nghiêm trọng liên quan đến chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm các sự cố như: Sản phụ tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến quá trình chuyển dạ, sinh con…
Khi phát hiện ra sự cố y khoa, nhân viên y tế có trách nhiệm xử lý ngay để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Như thế nào được coi là hộ gia đình thể thao?
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BVHTTDL quy định về đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng. Theo đó, Thông tư đề ra một số tiêu chí đáng chú ý như sau: Người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là người tập luyện mỗi tuần ít nhất 3 lần; mỗi lần tập luyện ít nhất 30 phút;
Gia đình thể thao là hộ gia đình có tổng số thành viên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chiếm từ 50% trở lên tổng số thành viên trong gia đình… Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/3/2019.
Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy
Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy được thực hiện theo Quyết định 04/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tội phạm.
Theo đó, Quỹ được sử dụng để chi cho các nội dung: Thưởng tiền đột xuất cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Cụ thể: Đối với cá nhân, tối đa là 5 triệu đồng/người/lần khen thưởng; Đối với tập thể, tối đa là 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng.
Đồng thời Quỹ hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.
Ảnh minh họa
Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.
Một số biểu mẫu điển hình được thay thế như: Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh; mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật; các mẫu văn bản này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/3/2019.
Bổ sung gần 80 ngành nghề trung cấp, cao đẳng
Thông tư 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH.
Các ngành, nghề bổ sung thuộc 14 lĩnh vực như: Sư phạm, pháp luật, nghệ thuật, báo chí, kinh tế…
Cụ thể, trình độ cao đẳng có các ngành như: Sư phạm kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ, tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh lễ tân nhà hàng - khách sạn, dịch vụ pháp lý doanh nghiệp…
Bậc trung cấp có các ngành như: Quản lý siêu thị, trợ lý tổ chức đấu giá tài sản, công nghệ gia công bao bì, nông nghiệp công nghệ cao…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
Gara ô tô có chiều cao không quá 9 tầng
Đây là một trong những nội dung trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara ôtô do Bộ Xây dựng ban hành quy định tại Thông tư 12/2018/TT-BXD.
Theo đó, Quy chuẩn này đặt ra một số yêu cầu đối với gara ô tô như sau: Các gara ô tô mặt đất chỉ được phép xây dựng với chiều cao không quá 9 tầng, các gara ô tô ngầm không quá 5 tầng ngầm (ngoại trừ các ga ra ô tô cơ khí);
Kích thước tối thiểu của một chỗ đỗ xe là chiều dài 5m, chiều rộng 2,3m (đối với chỗ đỗ dành cho xe có người khuyết tật sử dụng xe lăn là 3,5m)…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự
Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “mua bán người dưới 16 tuổi”:
Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Nghị định có hiệu lực từ 15/3/2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần