Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thêm thủ tục “hành” dân?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao về quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng, chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2017.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này vô hình trung lại tăng thêm thủ tục hành chính “hành” dân.
Lo lắng vì hiểu chưa chính xác

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về quy định trên, ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT) cho biết, dư luận lo lắng, có ý kiến phản đối vì chưa hiểu chính xác quy định. Việc ghi đầy đủ tên của những người trong gia đình không phải được áp dụng đối với tất cả trường hợp sử dụng đất. Mà chỉ là một trong 17 cách ghi GCN. Những trường hợp tạo lập tài sản riêng của vợ và chồng, không phải Nhà nước giao đất không thu tiền cho các hộ gia đình, vẫn giữ nguyên quy định ghi tên vợ và tên chồng trên sổ đỏ, không phải ghi tên các thành viên trong cùng hộ khẩu.

Theo ông Phấn, thời gian qua, quy định chỉ ghi tên chủ hộ trên sổ đỏ đối với hộ gia đình có chung quyền sử dụng có vướng mắc, bất cập và thực tế có nhiều trường hợp khiếu nại xảy ra. Ví dụ như khi giao đất nông nghiệp cho các thành viên trong hộ gia đình, trên sổ đỏ trước đây chỉ ghi hộ ông (hoặc hộ bà) nên có chuyện bố mẹ đứng tên trên sổ đỏ có cả quyền sử dụng đất của con nhưng lại tự ý chuyển nhượng cả quyền sử dụng đất của con cho DN. Các cơ quan nhà nước, cơ quan công chứng cũng căn cứ vào tên trên sổ đỏ để làm thủ tục cho bố mẹ chuyển nhượng đất, nhưng sau đó mới phát sinh chuyện các con của những người này (những người được Nhà nước giao đất nông nghiệp) đòi lại quyền sử dụng đất của mình dẫn tới khiếu nại.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh Hai Bà Trưng.    Ảnh:  Thanh Hải

“Quy định mới về cấp GCN sẽ khắc phục những kẽ hở pháp lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người được quyền sở hữu. Người nào được Nhà nước giao đất, giao nhà thì người đó có tên trong GCN. Người nào không được giao thì không có tên. Tránh tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất; do khi xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình chưa xác định rõ các thành viên có chung quyền sử dụng đất nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình...” - ông Phấn khẳng định.

Chặt về lý nhưng đã “chí cái tình”?

Được biết, ngày 29/9/2017, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư này đã hướng dẫn việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất đối với trường hợp cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình sử dụng đất. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai thì “hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Do đó, khi ghi GCN thì chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất (ví dụ như những người không phải là nhân khẩu mà Nhà nước đã xác định để giao đất cho hộ gia đình trước đây, người không có công đóng góp để tạo lập quyền sử dụng đất của hộ,…) thì không ghi trên GCN.

Ông Phấn cũng cho rằng, quy định nêu trên của Thông tư cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất như một số ý kiến đã nêu, mà đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự (Khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản là tài sản chung của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ).

Trả lời báo Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, quy định mới trong cấp GCN là chặt chẽ về mặt pháp lý. Thế nhưng thực tế "3 cái lý vẫn chưa bằng chí cái tình”, việc xác định “quyền sở hữu chung” không đơn giản. Theo quy định hiện tại, việc xác nhận hai vợ chồng đứng tên trong GCN đã là phức tạp rồi, giờ lại thêm các thành viên trong hộ gia đình nữa là rất phức tạp, nhất là đối với những gia đình lớn, những gia đình có quan hệ phức tạp. Thế nên, nếu nói là quy định này không thêm thủ tục hành chính là không đúng.

Theo GS Đặng Hùng Võ, Bộ TN&MT không nên dùng khái niệm “cấp GCN cho hộ gia đình”. Vì cụm từ “hộ gia đình” rất dễ gây hiểu lầm là cấp cho cả hộ gia đình, trong khi quy định thực ra chỉ là cấp cho những người có chung quyền sở hữu trong hộ gia đình thôi. Nếu không có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương mà họ lại triển khai một cách cứng nhắc thì sẽ rất khổ người dân.

Trong khi chúng ta đang tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc bỏ hẳn sổ hộ khẩu, CMND thì quy định này nếu không được hướng dẫn cụ thể cho địa phương chắc chắn sẽ tạo ra sự lúng túng, cứng nhắc trong công tác ký cấp sổ đỏ cho rất nhiều trường hợp.

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT