Quy định mới về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên: Hướng tới chuyên nghiệp hóa

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định mới về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên (HDV) trong Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018 đang khiến nhiều người làm nghề lo ngại khi “miếng cơm” bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, các nhà quản lý và DN lữ hành khẳng định, quy định mới là để bảo vệ quyền lợi của HDV và không thiếu chỗ cho họ làm nghề.
“Thả lỏng” gần 20 năm

Theo quy định của Luật Du lịch 2017, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện: Có thẻ HDV du lịch; Có hợp đồng lao động với DN lữ hành, DN cung cấp dịch vụ HDV du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; Có hợp đồng hướng dẫn với DN lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch.

Thực tế, năm 1994, các điều kiện hành nghề HDV còn ngặt nghèo hơn. Cụ thể, chỉ có một loại HDV, phải tốt nghiệp đại học; phải là nhân viên của một công ty du lịch và công ty đó đề xuất lên Tổng cục Du lịch mới được cấp thẻ. Nhưng sau Pháp lệnh Du lịch năm 1999, Luật Du lịch năm 2005, đã có sự phân biệt giữa HDV nội địa và HDV quốc tế. HDV được cấp thẻ không cần do một công ty đề xuất lên. Khi đó, HDV được hoạt động tự do, các DN lữ hành có nhiều cơ hội để lựa chọn HDV nếu họ có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu.

Hướng dẫn viên dẫn khách tham quan chùa Trấn Quốc. Ảnh: Công Hùng

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Phạm Lê Thảo cho biết: Cùng với sự tăng trưởng mạnh của khách du lịch là sự phát triển, nở rộ của các DN và đội ngũ HDV. Năm 2006, khi bắt đầu quản lý HDV theo Luật Du lịch 2005, chỉ có hơn 2.000 HDV du lịch trên toàn quốc, đến nay đã có hơn 20.000 HDV, chưa kể đội ngũ HDV tại điểm. “Vì số lượng HDV đã gấp 10 gần trước đây, cùng với những điều kiện cấp thẻ “mở”, HDV nội địa không bắt buộc phải hoạt động ở một địa phương..., đã góp phần gây ra sự lộn xộn trong hoạt động kinh doanh du lịch” - bà Thảo phân tích.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng thừa nhận: “Đội ngũ này gần như bị “thả lỏng” suốt 20 năm qua. Đến thời điểm này, việc tập hợp họ lại trong các tổ chức nhất định là điều kiện bắt buộc. Bởi HDV du lịch là đội ngũ quan trọng của ngành du lịch, góp phần tạo nên hình ảnh của đất nước, là linh hồn của các tour tuyến. Mặt khác, không có một nước nào, đội ngũ HDV lại không được quản lý".

Được bảo vệ một cách bài bản

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho hay: Nhiều trường hợp HDV sau khi làm việc với đầu mối đối tác quen, sẽ không thông qua DN mà làm việc trực tiếp với khách “ruột”. Như vậy, HDV đã kinh doanh bất hợp pháp, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Tuy nhiên, nếu bất cập xảy ra, khách du lịch chỉ biết đến DN, do đó, DN vừa bị tổn hại đến thu nhập, vừa bị tổn hại đến uy tín. Đó là những hiện tượng tiêu cực đã xảy ra ở một số HDV. “Do đó, việc “siết” các điều kiện hành nghề đối với HDV tạo điều kiện thuận lợi cho DN lữ hành có nguồn HDV chất lượng, kĩ năng tốt. Tuy nhiên, những DN vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn bởi không nhiều HDV ký hợp đồng vì công việc, lịch tour không đều” - bà Nghệ chia sẻ.

Bà Thảo còn cho biết, hiện nay, tại một số DN lữ hành lớn, lượng HDV cơ hữu, cộng tác viên được ký hợp đồng nguyên tắc (nếu phát sinh chi phí thì công ty hỗ trợ bù phần bảo hiểm, nếu không phát sinh chi phí thì HDV phải tự đóng bảo hiểm) đã hơn 5.000 người. Như vậy, không phải DN không sẵn sàng ký hợp đồng với HDV, mà cần đặt câu hỏi: Tại sao hơn 5.000 HDV đó được ký hợp đồng lao động cố định mà những người khác thì không?

Mặt khác, với gần 2.000 DN lữ hành quốc tế, chưa tính DN lữ hành nội địa, so với số lượng HDV quốc tế là hơn 12.000 hiện nay, không đến nỗi HDV không có “chỗ” trong các DN. Nghĩa là, nếu HDV đáp ứng được yêu cầu, sẽ không sợ bị ảnh hưởng đến “miếng cơm”. Thậm chí, nếu trước đây, HDV gặp sự cố, không có ai đứng ra bảo vệ phải chịu nhiều ấm ức, thiệt thòi; thì việc áp quy định mới sẽ bảo vệ quyền lợi cho các HDV một cách bài bản. Ngoài ra, nếu HDV muốn hoạt động tự do, có thể gia nhập Hội HDV Du lịch Việt Nam để được hành nghề và hưởng quyền lợi chính đáng.

Lợi ích kép khi gia nhập Hội Hướng dẫn viên

 Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên (HDV) Du lịch Việt Nam Trần Trọng Kiên
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên (HDV) Du lịch Việt Nam Trần Trọng Kiên khẳng định, gia nhập Hội, các thành viên sẽ được hưởng nhiều lợi ích kép.
Là tân Chủ tịch Hội HDV Du lịch Việt Nam, lại có kinh nghiệm làm du lịch, ông đánh giá thế nào về đội ngũ HDV Việt Nam?

- Trước tiên phải khẳng định, những thành quả của du lịch thời gian qua có vai trò quan trọng của lực lượng HDV. Đội ngũ này được xem như linh hồn của những tour du lịch. Hình ảnh đất nước đẹp hay xấu phụ thuộc đến 80 - 90% vào đội ngũ HDV. Ở Việt Nam, một số người cho rằng, HDV là những người chuyên “chăn dắt” khách, ăn “hoa hồng”… Rồi một bộ phận HDV nghĩ rằng công việc họ làm dễ kiếm tiền, có nhiều cơ hội sống buông thả. Tuy nhiên, làm trong nghề lâu năm tôi thấy có nhiều HDV trẻ làm việc chăm chỉ, truyền tải thông điệp tốt tới khách hàng. Tôi nhận thấy, đội ngũ HDV Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia, khu vực nào trên thế giới về năng lực, trình độ.

Muốn gia nhập Hội HDV Du lịch Việt Nam, HDV cần thực hiện những thủ tục gì, thưa ông?

- Hiện nay, Hội HDV Du lịch Việt Nam đã có trụ sở tại Hà Nội, văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Ban Chấp hành Hội đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, TP xúc tiến thành lập các Chi hội HDV hoặc hoàn thiện tổ chức các Chi hội HDV đã có. Để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của hội viên, Hội đã xây dựng Hệ thống phần mềm hỗ trợ hội viên. Các HDV du lịch muốn gia nhập Hội chỉ cần đăng ký tự động trên trang web www.hoihuongdanvien.vn và nộp lệ phí hội viên 500.000 đồng và hội phí hàng năm 500.000 đồng. Trong vòng 5 ngày, thẻ hội viên sẽ được chuyển đến tận tay HDV.

Những lợi ích mà các hội viên sẽ được hưởng khi gia nhập Hội HDV Du lịch Việt Nam là gì?

- Khi gia nhập Hội, các HDV sẽ được hưởng lợi ích kép như: Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Cập nhật thông tin; Khai thác thông tin trên hệ thống phần mềm trong khi hành nghề; Tham gia sàn giao dịch giới thiệu việc làm trên hệ thống phần mềm của Hội; Được hưởng các gói cước về ưu đãi thoại, ưu đãi data 4G của Viettel… Trong năm 2018, Hội sẽ có 2 cuộc hội thảo, tham quan, học tập kinh nghiệm với các hội, hiệp hội khác trong khu vực và thế giới. Hiện cộng đồng châu Âu đã cam kết tài trợ cho Hội chương trình đánh giá HDV để xây dựng tiêu chí đào tạo HDV; Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã xây dựng cho Hội gói 4G giảm chi phí lên tới 50%. Ngoài ra, chúng tôi đang làm việc với các hãng hàng không để giảm giá cho hội viên khi di chuyển bằng máy bay… Tôi tin rằng, nếu hội viên sử dụng tối đa tiện ích được hưởng từ các đối tác của Hội, sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí.

Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh thực hiện