Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định nhập ngũ mới: Vẫn còn ý kiến trái chiều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông tư Quy định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ do Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT vừa ban hành đang khiến học sinh (HS) lo lắng và dư luận xôn xao với những ý kiến trái chiều.

Học sinh băn khoăn

Từ 7/3 (ngày Thông tư có hiệu lực), nếu HS nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học trong cùng một thời điểm phải ưu tiên chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và báo cáo cho nhà trường để bảo lưu kết quả trúng tuyển. Công dân đã nhập ngũ, nếu có giấy báo nhập học vào các trường ĐH, CĐ, TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.Không ít HS, phụ huynh bị "rối bời" trước quy định này, bởi họ cho rằng, sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, các em phải bỏ lỡ nhiều cơ hội làm việc cũng như khó khăn trong việc học tập sau khi xuất ngũ. Bạn Nguyễn Minh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Hàng năm, có 2 đợt tuyển quân, đợt một vào đầu năm, đợt 2 gần trùng với khoảng thời gian nhận giấy báo và nhập học của tân sinh viên. Như vậy, Thông tư quy định công dân phải ưu tiên chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ, thực sự chưa phù hợp.

Quy định nhập ngũ mới: Vẫn còn ý kiến trái chiều - Ảnh 1

Cũng rất nhiều ý kiến của các bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội về việc này. Điển hình là băn khoăn của một bạn có nick Sudube: "Mình cũng thuộc diện có thể nhập ngũ trong năm nay. Nhưng mình muốn thi và học ĐH, bởi sau hai năm đi bộ đội, mình không còn tự tin vào lực học của mình nữa. Thực sự mình đang rất hoang mang".

Nên gọi nhập học  cách nhập ngũ 20 ngày?

Trái ngược với nỗi lo lắng của HS, có bạn chia sẻ: "Rất nhiều người bạn tôi sau 2 - 3 năm thực hiện nghĩa vụ vẫn có thể thi được 24, 25 điểm, cộng thêm điểm ưu tiên có thể vào bất cứ trường ĐH nào". Bởi, trong môi trường quân đội, vừa công tác vừa vẫn có thể ôn lại kiến thức, nếu HS quên kiến thức thì cần xem lại việc học tập của mình.

Xoay quanh vấn đề này, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, ông nhất trí với quy định mới này. "Nhưng, theo tôi cần có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn, tránh gây tâm lý căng thẳng cho HS. Ví dụ, hai HS là bạn thân cùng đỗ ĐH nhưng người này nhận được giấy báo trúng tuyển sớm hơn thời gian gọi nhập ngũ thì được đi học, còn người kia nhận giấy báo trúng tuyển chậm một ngày so với giấy gọi nhập ngũ phải gác việc học tập lại để đi nghĩa vụ quân sự. Theo quan điểm của tôi, Bộ GD&ĐT nên xem xét quy định thời gian cụ thể các trường gọi thí sinh trúng tuyển ĐH cách thời gian gọi nhập ngũ khoảng 10 - 20 ngày" -  PGS Văn Như Cương kiến nghị.

Trước những ý kiến băn khoăn về quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Lực lượng thường trực đối với một công dân chỉ có 2 năm, còn việc học tập là suốt đời. "Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, có thể các em quên kiến thức một chút nhưng có cả một thời gian sau này để ôn tập, học tập. Xác định được việc gì cần làm trước, việc gì có thể tạm gác lại làm sau sẽ không ảnh hưởng gì đến ước mơ, khát vọng theo ngành mình đã lựa chọn khi thi ĐH. Hơn nữa, tôi tin các em đủ sáng suốt để hiểu nhiệm vụ thiêng liêng và việc học tập suốt đời" - ông Minh phân tích.

Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng, cần phải tuyên truyền thay đổi nhận thức của HS, SV. Khoảng thời gian trong quân ngũ là thời gian quý báu để rèn luyện bản lĩnh cho mỗi con người. Quân đội là trường học lớn. Vào đó, mỗi người sẽ cảm thấy mình thay đổi và "lớn" lên rất nhiều. Điều quan trọng, các em sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc.