Quy định phổ biến phim: Nặng tính cấm đoán và cần loại bỏ

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lệnh cấm phổ biến giống như án tử hình đối với phim; dự thảo Luật Điện ảnh còn quá nhiều điểm chung chung, cấm đoán và cần được loại bỏ, thay thế… là những ý kiến được những nhà làm phim chia sẻ, đóng góp ý kiến về thực trạng kiểm duyệt phim ở Việt Nam và góp ý vào Luật Điện ảnh sửa đổi trong buổi toạ đàm trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên” diễn ra chiều 26/9.

Không phạm luật… vẫn cấm

Là thành viên Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện, thời gian qua, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, cô “may mắn” được tham gia duyệt là 2 bộ phim nhưng mang số phận trái ngược. Bộ phim đầu là “Miền ký ức” của đạo diễn Bùi Kim Quy (sẽ tranh giải tại LHP Busan năm nay, đạt đồng thuận cấp phép 100%) và phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo (đáng lẽ cũng ra mắt châu Á năm nay nhưng đã bị cấm).
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Tôi nhận thấy, cái hay, đẹp, độc đáo của điện ảnh – điều chúng ta xưa nay vẫn theo đuổi không phải là tấm khiên để giúp cho tác phẩm không bị cấm. Có một chuyện kỳ lạ là dù tác giả không phạm phải những luật cấm nhưng vẫn có khả năng bị cấm. Và hình thức phân loại phim, xếp hạng độ tuổi người xem không thần thánh và không thực sự cởi trói như đã tưởng”.

Một trong những vấn đề được các nhà làm phim quan tâm, chia sẻ trong quy định phổ biến phim là việc Hội đồng duyệt phim can thiệp vào nội dung. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: “Trong bộ “Mặt trời con ở đâu” của tôi có hình ảnh trẻ em hơi quậy phá. Hội đồng yêu cầu sửa đổi nội dung. Có một điều khiến tôi buồn cười là họ yêu cầu chúng tôi phải quay thêm 1 cảnh, trong đó có chính quyền địa phương cấp cơ sở ngồi họp với nhau và nói về chuyện chúng ta sẽ giáo dục những đứa trẻ quậy phá như thế nào. Cảnh đó không liên quan đến bộ phim và có tác dụng gì với bộ phim. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm để được phép công chiếu”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh: Trong Luật Điện ảnh hiện nay và kể cả dự thảo đều không có bất kỳ một điểm, điều khoản nói về việc Hội đồng thẩm định có quyền được can thiệp nội dung. Mặt khác, trong Luật Sở hữu trí tuệ, khi định nghĩa về Quyền Tác giả, tại điều 19 quy định rõ: “Tác giả được quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắn xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hính thức nào?”. Đây cũng là diễn giải thêm về định nghĩa của quyền tác giả trong công ước Berne mà Việt Nam là một thành viên. Vì vậy, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đặt vấn đề: “Có phải ở đây Luật Điện ảnh đang có độ vênh với Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne hay không? Chúng ta cho rằng chuyện Hội đồng thẩm định can thiệp vào bộ phim là đương nhiên?”.

Chia sẻ về những điều cấm trong phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Tôi nghĩ một trong những vấn đề trong điều cấm là tùy thuộc vào ý chí của người duyệt, sử dụng và viện dẫn Luật. Đơn cử, những phim chúng ta từng xem và thành công như “Đêm hội Long Trì”, “Số đỏ” có nhiều cảnh khoả thân trong đó. Ngày xưa, phim đó được phát hành, không có vấn đề gì kiểm duyệt. Bây giờ, những phim đó được xem như bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam”.

Giới điện ảnh cùng ký giấy kiến nghị Quốc hội

Sau buổi tọa đàm, các nhà làm phim cùng ký vào bản kiến nghị gửi tới Quốc hội xoay quanh những vấn đề cần sửa đổi với Luật Điện ảnh (mới). Cụ thể, các nhà làm phim đề nghị Quốc hội xem xét xoá bỏ tất cả điều cấm trong luật, chuyển những điều này thành bộ tiêu chí riêng, đính kèm trong nghị đính hướng dẫn thi hành luật với nguyên tắc tránh các khác niệm mơ hồ, có thể bị suy diễn chủ quan.
 Các nhà làm phim ký vào bản kiến nghị gửi Quốc hội thông qua hình thức trực tuyến.

Bộ tiêu chí này sẽ được áp dụng khi nào bên ban hành lệnh cấm chứng minh được yêu tố gây hại của phim, cảnh phim theo khảo sát thực tế và đánh giá theo hình thức khoa học.

Hội đồng duyệt chỉ phân loại phim công chiếu, phân loại độ tuổi phù hợp, không được phép cấm phổ biến phim; đề xuất Hội đồng duyệt nên đổi tên thành Hội đồng đạo đức điện ảnh.

Hội đồng duyệt được tổ chức bởi những thành viên thuộc nhiều thành phần, đảm bảo phần lớn những người làm phim hoặc có chuyên môn về điện ảnh. Có ít nhất 2 Hội đồng duyệt được thành lập ở phía Bắc (Hà Nội) và phía Nam (TP Hồ Chí Minh), 2 Hội đồng này phải là hội đồng T.Ư.

Hội đồng duyệt phải ghi chép lại tất cả quá trình làm việc của Hội đồng bao gồm kết quả khảo sát, lời nói, ý kiến của thành viên Hội đồng, căn cứ và cở sở để Hội đồng duyệt đưa ra kết quả phân loại. Tất cả những hồ sơ ghi chép, văn bản cần được công bố công khai.

Hội đồng duyệt làm việc với các nhà làm phim theo quy trình, thủ tục chính thức, được ghi chép đầy đủ. Mọi tác động, liên hệ của Hội đồng duyệt với nhà làm phim ngoài quy trình đó đều bị cấm và bị coi là dấu hiệu lạm quyền, là cơ sở để đánh giá hành vi trái pháp luật.

Trong trường hợp Cục trưởng Cục Điện ảnh có đưa ra quyết định cấm phổ biến phim hoặc cắt xén phim mới cho phổ biến chỉ có thể xảy ra khi Cục trưởng chứng minh được phim đó trái với nguyên tắc tuyệt đối của pháp luật Việt Nam. Nguyên tắc tuyệt đối của pháp luật Việt Nam không cần, không nên nêu quyết định riêng rẽ như trong dự thảo Luật Điện ảnh hiện tại.

Giấy phép tham gia liên hoan phim quốc tế, sự kiện điện ảnh ở nước ngoài nên tách biệt với giấy phép phổ biến phim trong nước. Theo đó, nên thành lập Hội đồng riêng xem xét phổ biến phim ở nước ngoài. Việc này được thực hiện theo bộ tiêu chí phân loại.

Xây dựng một có chế khiếu nại hành chính minh bạch, hiệu quả với quá trình phân loại, duyệt phim; cấp và thu hồi các loại giấy phép. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng có các kiến nghị về hỗ trợ sản xuất, phổ biến phim, hợp tác quốc tế.

Tóm lại, các nhà làm phim cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh này không có những thay đổi quan trọng, cần thiết; còn có quá nhiều điểm chung chung, cấm đoán và cần được loại bỏ, thay thế, nhiều rào cản cần được dỡ bỏ, chưa làm rõ được tinh thần xây dựng, kiến tạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần