Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi tiếp thu, giải trình có 8 Chương, 65 Điều. Trong hồ sơ Dự thảo Luật này, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan đều được tiếp thu, giải trình một cách cụ thể.
Tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, đưa vào dự thảo luật những nội dung đã chín, đã rõ; đồng thời, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu tại Kỳ họp thứ 6.
Đối với quy định về quản lý, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 30, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung khoản 5 vào Điều 38 của dự thảo luật với nội dung “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật này; trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Đoàn tỉnh Bình Phước) cho rằng, việc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản, tài liệu lưu trữ đặc biệt là bảo vật quốc gia được thực hiện theo cả Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa có thể chồng chéo, không thống nhất, gây vướng mắc trong thực hiện.
Đại biểu phân tích, tại khoản 2, Điều 24 của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định thẩm quyền của các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh về mang tài liệu lưu trữ của Nhà nước ra nước ngoài, chưa có quy định chuyên biệt về mang tài liệu lưu trữ đặc biệt là bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
Trong khi đó, khoản 2, Điều 44 Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; và, khi sửa đổi luật này trong thời gian tới cũng sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến bảo vệ, phát huy bảo vật quốc gia.
Để đồng bộ, thống nhất trong áp dụng pháp luật, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, cần rà soát và quy định rõ hơn về thẩm quyền quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia. Quy định rõ hơn khi nào, với nội dung, biện pháp nào thì áp dụng cả hai luật. Khi nào chỉ áp dụng quy định Luật Di sản văn hóa, không áp dụng Luật Lưu trữ.
Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đoàn tỉnh Đắk Nông), về nguyên tắc, đã là tài liệu lưu trữ, trước hết cần thực hiện theo quy định pháp luật về lưu trữ. Do vậy, việc phát huy và sử dụng giá trị tài liệu lưu trữ cũng cần phải thực hiện theo pháp luật lưu trữ.
Mặt khác, việc ghi danh và công nhận tài liệu lưu trữ đặc biệt không chỉ cùng điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa, tại Luật Thư viện hiện hành cũng quy định về ghi danh và công nhận tài liệu đặc biệt theo quy định của Luật này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, quy định tại khoản 5, Điều 38 nên được mở rộng theo hướng trường hợp nào tài liệu lưu trữ được công nhận, ghi danh bởi luật có liên quan thì thực hiện theo quy định của luật có liên quan.
Thảo luận về Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đặt vấn đề: đối với nội dung cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước tại Điểm d, Khoản 2, Điều 18 dự thảo luật, hiện nay, trên địa bàn các địa phương có các doanh nghiệp như viễn thông, bưu điện, công ty điện lực tỉnh… Vậy những doanh nghiệp này có phải là cơ quan, tổ chức của Trung ương được tổ chức, hoạt động theo ngành dọc ở cấp tỉnh hay không? Nếu không thì Dự thảo Luật cần sửa lại để quy định những đơn vị nêu trên thuộc trường hợp nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử cấp tỉnh, bởi các doanh nghiệp này không phải là doanh nghiệp Nhà nước do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.