Quy định về kinh phí hỗ trợ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Kinhtedothi - Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.
Hỗ trợ một lần cho các địa phương
Nghị quyết này quy định về việc sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đơn vị hành chính cấp tỉnh) và sắp xếp xã, phường, thị trấn (đơn vị hành chính cấp xã) trong năm 2025 theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Nghị quyết nêu rõ, ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành để thực hiện xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính và các nhiệm vụ cần thiết khác do sắp xếp đơn vị hành chính.

Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Các Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 ngày 22 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu phân loại đô thị và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương bảo đảm. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng kinh phí thường xuyên trong nguồn ngân sách Nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách để chi các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
“Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2025 theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước” - Nghị quyết quy định rõ.
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương quy định trên, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể các nhiệm vụ chi tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo quy và quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính của các cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Về chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp
Theo Nghị quyết, về thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực hoặc theo đơn vị hành chính như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Giữ nguyên phạm vi, đối tượng và nội dung của các chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương và địa phương áp dụng đối với đơn vị hành chính như trước khi sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp có thay đổi tên gọi của đơn vị hành chính sau sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.
Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Cấp, sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ.
Trích dẫn
Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15 tháng 8 năm 2025.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15 tháng 9 năm 2025.
Kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND ở đơn vị hành chính sau sắp xếp chính thức hoạt động.
Khẩn trương, sẵn sàng cho hoạt động đồng bộ toàn hệ thống chính trị sau sắp xếp
Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, kể từ 1/5/2025, khối lượng công việc sẽ rất lớn khi 63 tỉnh, TP gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình UBTV Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm, đòi hỏi Bộ tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các bộ, ngành điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để bảo đảm việc vận hành của chính quyền địa phương hai cấp.

Hà Nội dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo 5 vùng động lực, 5 trục phát triển
Kinhtedothi - Chiều 3/4, báo cáo tại Hội nghị giao ban Thường trực thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã Quý I/2025, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trần Đình Cảnh cho biết, Hà Nội sẽ còn khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập.