Quy định về lãi suất: Đang tiến gần đến sự thống nhất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, lãi suất đang bàn nằm trong mục hợp đồng vay tài sản quy định tại Điều 470 và hướng đến vay mượn tài sản theo nghĩa vật chất, chứ không phải tiền.

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đang diễn ra. Rất nhiều quy định quan trọng trong dự thảo Bộ luật này có tác động lớn đến hoạt động ngân hàng như quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, cơ chế thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB)… Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng tất cả đang dần tiến đến sự thống nhất bởi thời gian trình Quốc hội đang đến rất gần.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tăng quyền thu giữ tài sản đảm bảo

Cơ chế thu giữ TSĐB được quy định tại Điều 308 dự thảo mới và Điều 310 dự thảo trình Quốc hội. Đây là nội dung được bổ sung vào dự thảo BLDS nhằm trao cho bên nhận bảo đảm quyền chủ động lớn hơn trong việc thu giữ và xử lý TSĐB, với điều kiện là đã thực hiện các nghĩa vụ thông báo cho bên bảo đảm và chỉ được thực hiện quyền của mình nếu không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tham khảo kinh nghiệm một số nước cho thấy, không phải nước nào cũng áp dụng cơ chế cho phép bên nhận bảo đảm tự thu giữ TSĐB, vì cơ chế này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu của chủ tài sản. Nếu có quy định thì cũng chỉ ở mức độ cho phép thu giữ đối với bất động sản, vì nếu thu giữ bất động sản thì ngoài việc ảnh hưởng đến quyền sở hữu, còn ảnh hưởng đến quyền có chỗ ở của người có tài sản và các thành viên gia đình họ…

“Tuy nhiên, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về cơ chế thu giữ TSĐB thì thực hiện theo thỏa thuận đó, nếu xảy ra tranh chấp thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết”, ông Lý nói.

Dưới góc nhìn của mình, một số đại biểu lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng với quy định cho phép thu giữ TSĐB. Theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), thu giữ TSĐB là việc của Nhà nước chứ không phải việc của cá nhân và tổ chức. Quy định này sẽ dẫn đến việc lộn xộn trong quan hệ dân sự, không đảm bảo sự thống nhất, công bằng cũng như ổn định trật tự xã hội.

Hóa giải những băn khoăn, lo lắng của các đại biểu, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, thế chấp và chuyển giao TSĐB có trong hoạt động dân sự, nhưng trong hoạt động ngân hàng là phổ biến hơn cả. TSĐB đang là “điểm tựa” giúp cho người có nhu cầu tiếp cận vốn vay, và TCTD có điều kiện để mở rộng các hoạt động tín dụng.

Trên thực tế, đây không phải là chế tài mới mà chỉ là luật hoá quy định đang được thực hiện hàng chục năm nay. Tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm đã có quy định về việc thu giữ TSĐB.

Ông Tiến cho rằng, Điều 308 của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này đã quy định rất rõ ràng về điều kiện trong thu giữ TSĐB. Theo đó, bên nhận bảo đảm được quyền khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục rút gọn hoặc tự mình thu giữ TSĐB trong trường hợp bên bảo đảm hoặc người thứ ba đang giữ tài sản không giao TSĐB để xử lý.

Việc tự mình thu giữ TSĐB này phải có đủ các điều kiện như: các bên có thỏa thuận bằng văn bản về việc bên nhận bảo đảm được quyền tự mình thu giữ TSĐB; hết thời hạn xác định trong văn bản thông báo quy định mà bên bảo đảm không giao TSBĐ; bên nhận bảo đảm đã thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi có TSĐB về việc tự mình thu giữ TSĐB theo thỏa thuận giữa các bên; và không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Chính vì vậy, những quy định tại Điều 308 là những bổ sung rất quan trọng và chặt chẽ, có cơ sở pháp lý phù hợp với thực tiễn để đảm bảo trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan cũng như thúc đẩy các hoạt động giao dịch về kinh tế, ngân hàng.

“Chúng tôi thấy rằng quy định như Điều 308 Dự thảo Bộ luật sẽ tạo cơ hội để mở rộng và thúc đẩy các hoạt động ngân hàng, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đồng thời vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Thông tắc cho quy định lãi suất

Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản được quy định tại Điều 475 dự thảo mới, Điều 483 dự thảo trình Quốc hội tiếp tục được tranh luận khá gay gắt ở tất cả các cuộc họp gần đây. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đã đưa ra hai phương án.

Phương án thứ nhất quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS. Theo đó, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật Các TCTD có quy định khác.

Phương án thứ hai, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, trong cơ chế thị trường, việc khống chế lãi suất cố định thật sự khó.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định quan điểm không đồng tình phương án nào của dự thảo và đề nghị không quy định vấn đề này trong luật. Ông phân tích, lãi suất là giá phải trả cho việc sử dụng đồng vốn, giá này tùy thuộc vào 3 yếu tố chính: cung cầu về vốn, giá trị đồng tiền được sử dụng vào vốn, và độ rủi ro sử dụng vốn...

Hiện nay có những người ngân hàng cho vay 5-6%/năm nhưng họ không vay, nhưng có người năn nỉ 11-12%/năm, ngân hàng không dám cho vay vì độ rủi ro khác nhau. “Vậy làm sao pháp luật có thể chế định được 3 yếu tố này, phải là để cho các bên tự thoả thuận”, ông Lịch đề xuất.

Giải trình thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, lãi suất đang bàn nằm trong mục hợp đồng vay tài sản quy định tại Điều 470 và hướng đến vay mượn tài sản theo nghĩa vật chất, chứ không phải tiền.

Tuy nhiên, nếu cần quy định về lãi suất để có cơ sở khống chế cho vay nặng lãi trong hợp đồng vay tài sản, NHNN đề nghị theo phương án 1 của dự thảo là 20%. Song, không dùng để điều chỉnh lãi suất trong hoạt động ngân hàng. Lãi suất này cần được điều chỉnh theo Luật Các TCTD. Theo đó, TCTD và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật.

Giải thích cách đặt vấn đề này, Phó Thống đốc cho biết, tất cả TCTD đang thực hiện các nghiệp vụ cho vay và hoạt động ngân hàng đều được cấp phép, được giám sát rất chặt chẽ, nên mới cho phép thực hiện theo lãi suất thoả thuận.

Tuy nhiên để làm rõ hơn vấn đề, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến đề nghị quy định cụ thể hơn theo hướng trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì lãi theo thoả thuận không vượt quá 20%/năm của khoản vay, trừ lãi suất cho vay của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần