Hoàn thiện chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Đến nay, những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại đang gây ra nhiều rào cản, khó khăn khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy chữa cháy, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu cho rằng, cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí.
Cùng mối quan tâm này, đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cho biết, nhiều doanh nghiệp tại Phú Thọ phản ánh thực hiện Thông tư của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình đã khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Trước ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhưng việc triển khai vẫn chậm. Do vậy, đại biểu đề nghị các bộ ngành rà soát thực hiện Công điện của Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong truyền thông
Quan tâm tới việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (đoàn tỉnh Hậu Giang) đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển đất nước.
Theo đại biểu, trước sự phát triển nhảy vọt của công nghệ, chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng, chủ động xây dựng kịch bản khai thác những giá trị tích cực, lựa chọn các giải pháp ứng phó để không tụt hậu, đồng thời đề ra các giái pháp nhằm chống chọi với các tác động tiêu cực, mặt trái của sự phát triển công nghệ.
Đại biểu nhấn mạnh, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, kiến tạo, thúc đẩy ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, khả năng hấp thụ công nghệ, để lựa chọn những lĩnh vực có năng lực, thế mạnh để phát huy và đầu tư có trọng điểm, đảm bảo hiệu quả.
Chung mối quan tâm này, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho biết, thời gian qua, niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước ta ngày càng được nâng lên thông qua công tác chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Điều đó khẳng định thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời là vô cùng cần thiết.
Nhấn mạnh về truyền thông tạo sự đồng thuận trong xây dựng, thực thi chính sách, đại biểu cho rằng, đây là mấu chốt để thực hiện các nhiệm vụ, các mục tiêu truyền thông khác... Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội ngày càng trở nên phổ biến, công chúng ngày càng tiếp nhận thông tin nhiều hơn từ các phương tiện truyền thông xã hội. Những sự cố khủng hoảng truyền thông cũng diễn ra nghiêm trọng hơn thì truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất là góp ý, phản biện chính sách là việc khó, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, đầu tư, nguồn lực và cả sự hiểu biết sâu rộng, cách làm mới của những người làm truyền thông.
Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong hoạt động thông tin truyền thông để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, chất lượng.