Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, phải nghiêm khắc để bảo vệ tính mạng và rèn ý thức cho HS.
Tại sao Sở GD&ĐT lại đưa qui định đình chỉ học đối với HS vi phạm ATGT. Nhiều người nói, hình phạt ấy là không hợp lý, thưa ông?
- Chúng ta nghiêm khắc để bảo vệ các em được an toàn tính mạng. Mặt khác chúng ta nghiêm khắc với các em hôm nay để mươi năm nữa, khi học tập, làm việc ở nước ngoài trong xu thế hội nhập toàn cầu, các em sẽ là những công dân Việt Nam văn minh, ứng xử có văn hóa, có kỹ năng tham gia giao thông, có ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng nơi mình sống, làm việc. Đó chính là những hành trang cần thiết trong cuộc sống sau này cho các em.
Nếu đình chỉ học một tuần vì vi phạm ATGT, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về kiến thức trong một tuần HS bị đình chỉ học?
- Đình chỉ học tập không có nghĩa là đuổi các em ra ngoài đường. Giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp vẫn cần phải phối hợp với gia đình, cha mẹ HS theo dõi quản lý, hướng dẫn HS rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ôn tập, tiếp thu kiến thức trong những ngày không đến lớp, đặc biệt phải để HS nhận thức rõ về những việc làm sai trái của mình.
Sở liên tục có hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt tới nhà trường, nhưng hiện tượng HS khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… vẫn tiếp diễn, thưa ông?
- Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất, vẫn còn khá nhiều phụ huynh chưa tuân thủ những quy định khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm cho con và cho chính mình. Thứ hai, nhiều phụ huynh nuông chiều theo ý thích của con, giao xe khi con chưa đủ tuổi; phụ huynh chưa giám sát, giáo dục con ý thức khi tham gia giao thông… Với vấn đề trật tự ATGT, chúng tôi làm rất chặt chẽ, nội dung bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, xe đạp điện cũng đã được bổ sung vào công tác giáo dục ATGT trong các nhà trường trên địa bàn Hà Nội, được triển khai mạnh mẽ với rất nhiều biện pháp, kể cả vừa tuyên truyền giáo dục, vừa xử phạt răn đe. Tuy nhiên, việc giáo dục ATGT không thể chỉ ở trong nhà trường, còn rất cần sự vào cuộc của các bậc cha mẹ HS, các cơ quan chức năng để ngăn ngừa tình trạng HS vi phạm quy định về ATGT. Phải để mọi người nhận thức rõ rằng, việc yêu cầu đội mũ bảo hiểm, việc không vượt đèn đỏ, không đi xe phân khối lớn nhằm mục đích trước hết là để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính các em HS.
Tôi tha thiết mong các thầy cô giáo, các đơn vị chức năng, các cơ quan báo chí truyền thông và các bậc cha mẹ HS hãy cùng chung tay tuyên truyền giáo dục, quan tâm nhắc nhở các em chấp hành pháp luật về ATGT khi tham gia giao thông, không để đến mức các em nhiều lần tái phạm phải bị nhà trường xử lý.
Vậy theo ông, quy định đình chỉ học một tuần những HS nhiều lần mắc lỗi vi phạm ATGT mà Sở kiên quyết thực hiện có cải thiện được tình hình?
- Phải nói rằng, bên cạnh việc yêu cầu HS, gia đình HS ký cam kết, thì việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm của HS, đánh giá chỉ tiêu thi đua của các đơn vị nhà trường… đều là một trong số nhiều biện pháp mà ngành giáo dục đã thực hiện mấy năm gần đây. Có thể khẳng định, chúng tôi sẽ làm quyết liệt, sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà trường tuyên truyền mạnh mẽ, với mật độ dày hơn nữa. Không chỉ lồng ghép trong các tiết học, chào cờ đầu tuần, mà tuyên truyền tại các cổng trường bằng nhiều hình thức băngzôn, panô áp phích… kiên trì tuyên truyền, giáo dục cùng những biện pháp khác để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ an toàn cho các em HS.
Xin cảm ơn ông!
Xử phạt học sinh vi phạm ATGT trên đường Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hải
|
Theo tôi, văn bản của Sở GD&ĐT đã bóc tách các lỗi rõ ràng, lần 1, lần 2 đến vi phạm nhiều lần sẽ xử lý nghiêm để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, phụ huynh và xã hội quan tâm, lo ngại đến việc HS vi phạm buộc thôi học một tuần. Những lo ngại của phụ huynh không phải không có lý, bởi nếu HS nghỉ học ai quản lý, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nhưng, HS không thể đi xe máy nếu không có sự cho phép của phụ huynh. Bởi thế, gia đình không thể đổ lỗi cho nhà trường, gia đình phải có trách nhiệm của mình, cùng kết hợp với nhà trường giáo dục HS. Bên cạnh đó, theo tôi, thay vì buộc thôi học một tuần, không cho đến lớp thì các nhà trường vẫn yêu cầu HS đến trường, lớp đúng giờ. Nhà trường bố trí phòng, chỗ ngồi giao bài cho HS làm theo chỉ định của ban giám hiệu. Nếu để HS lang thang rất khó quản, giao cho địa phương quản lý cũng rất khó. Cơ chế nào cho địa phương quản lý? Ai nhận? Ai quy trách nhiệm? Đồng tình kỷ luật nghiêm, kỷ cương, nhưng hợp lý, không đẩy trẻ rơi vào bế tắc. NGƯT Đặng Đình Đại Hiệu trưởng trường THPT Wellspring, Hà Nội
Giáo dục ý thức khi tham gia GT, công việc này không chỉ có nhà trường mà còn phải có sự phối hợp từ phía gia đình. Hy vọng các trường sẽ xử phạt một cách nghiêm túc, đồng bộ để tránh gây bất công giữa các HS. Đặc biệt, lực lượng CSGT cũng phải thường xuyên thông báo tới nhà trường về những HS vi phạm để nhà trường có điều kiện giáo dục các em này một cách chặt chẽ hơn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh khi tham gia giao thông phải gương mẫu để HS không bắt chước theo những thói quen xấu. Cha mẹ và người lớn đều nghiêm túc thì HS cũng sẽ noi gương và nghiêm túc hơn. TS. Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội
Giáo dục HS ý thức khi tham gia giao thông phải làm kiên trì. Đặc biệt, lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông làm thật nghiêm, không thể làm kiểu đánh trống bỏ dùi. Đối với các nhà trường không làm nặng nề, mà vừa tuyên truyền, vừa có hình thức răn đe phù hợp. Giải pháp của Sở chỉ là biện pháp nhỏ trong tổng thể lớn về trật tự ATGT. Để hạn chế tình trạng HS vi phạm, nâng cao ý thức của HS, cần kết hợp tổng thể giữa gia đình và HS, bản thân cơ quan chức năng phải có đủ biện pháp mạnh. Không chỉ có nhà trường, ngành giáo dục, mà phải có sự kết hợp chặt chẽ, góp sức mạnh tổng hợp để nâng cao ý thức HS khi tham gia giao thông. Thầy Nguyễn Văn Chính Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông
Khi ra đường chúng ta bắt gặp nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho mình, cho con khi đưa con tới trường. Bắt gặp không ít HS cấp 2, 3 đi xe đạp điện, xe máy, xe phân khối lớn đèo 3, 4 lạng lách trên đường. Nếu không nghiêm khắc, chỉ nhắc nhở, răn đe bình thường, nhiều em sẽ tái phạm. Việc buộc thôi học một tuần sẽ khiến HS sợ, sẽ ý thức hơn khi tham gia GT. Tôi ủng hộ quy định này của ngành giáo dục. Anh Nguyễn Văn Vọng Phụ huynh HS trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa
|