Quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận: Thiết lập lại trật tự vận tải Hà Nội

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch GTVT), Hà Nội sẽ di dời toàn bộ các bến xe khách, xe tải liên tỉnh ra khỏi trung tâm TP, dành quỹ đất cải tạo, xây mới hệ thống giao thông tĩnh hướng tới việc thiết lập một trật tự GTVT ổn định, bền vững.

Đặt đúng chỗ

Với tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân với xe máy 15%/năm, ô tô 7 - 8%/năm, Hà Nội đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn về bãi đỗ, gửi xe. Bên cạnh đó, hệ thống bến xe khách, xe tải liên tỉnh nằm sâu trong đô thị lõi và thiếu trung tâm tiếp vận hiện đang dẫn đến tình trạng các phương tiện vận tải đi sâu vào nội đô, lưu đậu trên lòng, lề đường, hàng loạt xưởng sửa chữa ô tô cỡ lớn nằm xen kẽ với khu dân cư. Thực tế này đã tạo nên một sự “hỗn loạn” nhất định cho giao thông TP, là một phần nguyên nhân quan trọng gây ùn tắc, mất trật tự ATGT. Nghiên cứu của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã chỉ ra rằng, các bến xe khách có vị trí tốt hiện nay như Mỹ Đình, Giáp Bát… đều đang quá tải, tổ chức đón trả khách chưa hợp lý, thiếu kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài. Những nhược điểm này khiến cho việc tổ chức giao thông, phân luồng vận tải hành khách liên tỉnh của các bến nói riêng và TP nói chung gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, hoạt động giao nhận hàng hóa cũng được thực hiện một cách tự phát, manh mún tại nhiều địa điểm rải rác trong TP.
Bến xe Mỹ Đình hiện đang trong tình trạng quá tải. Ảnh: Phạm Hùng
Bến xe Mỹ Đình hiện đang trong tình trạng quá tải. Ảnh: Phạm Hùng
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, mạng lưới GTVT của Hà Nội đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, cần một lối thoát chiến lược ngay tức thì: “Hạ tầng giao thông kém phát triển khiến bố cục vận tải trở nên rời rạc, manh mún, thiếu sức cạnh tranh. Sự phân tán, tự phát của vận tải quay lại tạo áp lực lên hệ thống giao thông”. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT Phạm Hữu Sơn nhận định: Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần phải kiến tạo một mạng lưới hoàn chỉnh, khoa học các bến bãi xe khách, xe tải, trung tâm tiếp vận. Đem các điểm đầu cuối, trung chuyển, tiếp vận của loại hình dịch vụ vận tải đặt về đúng chỗ của nó.

Mô hình chiến lược
7 trung tâm tiếp vận chính dự kiến được xây dựng tại các đầu mối giao thông chính, thuận tiện kết nối với đường sắt quốc gia, gần các ga: Ngọc Hồi, Bắc Hồng, Lạc Đạo, Tây Hà Nội, Hà Đông, Mê Linh.

Theo Quy hoạch GTVT, các bến xe khách liên tỉnh kết hợp điểm đầu cuối xe buýt sẽ được di chuyển ra ngoài đường Vành đai 3, giảm mạnh áp lực giao thông cho khu vực nội đô. Vị trí dự kiến bao gồm: Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); Đông Bắc Gia Lâm; Đông Anh; Phùng (Đan Phượng); phía Tây Quốc Oai; Xuân Mai, Nam - Bắc Hòa Lạc; Sơn Tây; Sóc Sơn. Xây dựng mới các bến xe phụ trợ tại: Nam Vành đai 3 (Yên Sở, Hoàng Mai), Xuân Phương (Bắc Từ Liêm), Vân Trì (Đông Anh). Đồng thời, TP sẽ di dời tất cả các bến xe tải ra ngoài phạm vi nội đô, xây mới các bến: Nội Bài, Phủ Lỗ, Yên Viên, Ngũ Hiệp, Hà Đông…, đặt mục tiêu mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một bến xe tải liên tỉnh. Các bến xe hiện tại như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm… sẽ được chuyển đổi mục đích sang phục vụ vận tải hành khách công cộng.

Khi hoàn thiện Quy hoạch hệ thống bến, bãi…, lưu lượng phương tiện vận tải dịch vụ cỡ lớn ra vào nội đô sẽ được sẽ hạn chế tối đa, giảm thiểu áp lực cho hạ tầng giao thông. Vấn đề còn lại là bãi đỗ, gửi xe cho đô thị trung tâm sẽ được giải quyết theo 2 hướng chính: Quy hoạch các điểm trông giữ tập trung, buộc mỗi khu dân cư mới phải có diện tích dành cho giao thông tĩnh đối ứng phù hợp; ưu tiên phát triển bãi đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng. Chuyên gia Viện Chiến lược phát triển, Bộ GTVT Phạm Hoài Chung cho rằng, Quy hoạch GTVT đã tìm ra được mô hình chiến lược hiện đại, phù hợp cho vấn đề giao thông tĩnh của Hà Nội. Đặc biệt, mô hình trung tâm tiếp vận - một khu vực rộng lớn, nằm tại các đầu mối giao thông, bao hàm dịch vụ trung chuyển, sửa chữa, tiếp liệu… sẽ tập trung được phương tiện và hàng hóa, vừa chấm dứt được tình trạng phân tán, manh mún, vừa nâng cao ưu thế cạnh tranh cho vận tải.