Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Quy hoạch cân bằng phát triển nông thôn

ThS. KTS Lã Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang triển khai các quy hoạch, chương trình lớn như: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065...

Hà Nội cũng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và lập 14 Quy hoạch xây dựng vùng huyện. Với thực tiễn về đô thị, nông thôn hiện nay, vấn đề đặt ra đối với Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là những nội dung quản lý, chỉ tiêu nào cần ưu tiên để giải quyết bài toán cân bằng phát triển nông thôn với đô thị?

Phát triển tối đa các thị xã, thị trấn, thị tứ hiện có

Điểm nghẽn lớn nhất trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội là giải quyết bài toán cân bằng dân số và đất đai giữa khu vực đô thị (các thị xã, thị trấn) và nông thôn (các thị tứ, cụm động lực) mang tính khoa học và thực tiễn.

Về dân số, theo thống kê 10 năm gần đây, dân số Hà Nội tăng trung bình khoảng 100.000 người/năm. Vậy cơ sở khoa học và thực tiễn nào để tính trong vòng 6 năm tới (đến năm 2030) Hà Nội sẽ tăng thêm 3,5 triệu dân (tăng trung bình khoảng 500.000 người/năm - gấp 5 lần thực tiễn) để đáp ứng nhiệm vụ phê duyệt?

Về đất đai, theo Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt năm 2011, tính đến năm 2030 tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600ha (trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 94.700 ha - chiếm khoảng 28,3% diện tích tự nhiên), tổng diện tích đất hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên) của TP - cơ cấu phân vùng kiểm soát phát triển toàn TP, tỷ lệ phát triển đô thị - hành lang xanh, nông thôn là 30 - 70%.

Một góc huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đến năm 2045 tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 160.000 - 169.000ha; trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 130.000 - 135.000ha (chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên). Cơ cấu phân vùng kiểm soát phát triển toàn TP dự kiến tỷ lệ phát triển đô thị - hành lang xanh, nông thôn là 40 - 60%. Việc quy hoạch tính tăng thêm (chỉ) 10% phát triển đô thị có vẻ là con số hợp lý, song thực tiễn không phải như vậy. Tác động lớn nhất đến đất đai và không gian nông thôn lại chính là các khu chức năng, cụ thể là các khu/cụm công nghiệp đang được đề xuất.

Thực tế sau gần 30 năm, Hà Nội mới có 9 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động (với tổng diện tích khoảng 1.333ha). Vậy cơ sở khoa học và thực tiễn nào để quy hoạch trong vòng 6 năm tới (đến năm 2030) Hà Nội sẽ phát triển đến 3.828ha diện tích khu công nghiệp (tổng diện tích quy hoạch khoảng 5.594ha) và sau năm 2030 là 7.415,8ha khu công nghiệp tại các huyện và thị xã?

Đối với cụm công nghiệp, theo báo cáo tổng hợp, Hà Nội hiện có 78 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích khoảng 2.700ha. Từ thực tiễn này cũng đặt ra câu hỏi, cơ sở khoa học và thực tiễn nào để quy hoạch trong vòng 6 năm tới (đến năm 2030) Hà Nội sẽ phát triển đến 5.792,6ha diện tích với 176 cụm công nghiệp và sau 2030 là 7.082ha với 194 cụm công nghiệp theo đề xuất tại các huyện và thị xã?

Từ những ví dụ nêu trên cho thấy, quy hoạch rất cần cân nhắc kỹ lưỡng các chỉ tiêu, nếu không sẽ tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ hoàn toàn cấu trúc không gian cảnh quan hành lang xanh, nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại nhiều huyện của TP Hà Nội và không đi đúng định hướng của Bộ Chính trị “khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh”.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển tại các huyện, chỉ nên tập trung tối đa cho quy hoạch phát triển các thị xã, thị trấn, thị tứ, cụm động lực hiện có tại các huyện và thị xã của TP. Không nên phát triển đô thị ra bên ngoài Vành đai 4, mà chỉ nên bố trí các khu chức năng phù hợp mang tính kết nối, hạ tầng vùng.

Ưu tiên lập Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định nhiệm vụ: “Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống; Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh”.

Thực tiễn Thủ đô Hà Nội có dân số trung bình năm 2022 là hơn 8,4 triệu người, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,1%, khu vực nông thôn chiếm 50,9%. Tại 17 huyện của TP có khoảng 2.183 thôn, xóm, điểm dân cư nông thôn (không bao gồm các điểm dân cư tại các thị trấn và thị xã Sơn Tây). Trung bình mỗi xã có 5,8 thôn, xóm (điểm dân cư nông thôn). Nếu quy hoạch, kiến trúc nông thôn của Thủ đô không sớm được quản lý tốt sẽ làm hỏng và mai một những giá trị tốt đẹp riêng có.

Mới đây, ngày 20/10/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND nhằm thực hiện Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc văn hóa giữ gìn kiến trúc truyền thống, trong đó yêu cầu: “Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị; đến năm 2030 đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam”.

Hiện có ý kiến cho rằng, việc lập Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn tại các huyện cần thực hiện sau khi có Quy chế quản lý kiến trúc toàn thành phố, hoặc “lồng ghép” nội dung Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn vào các đồ án Quy hoạch chung xã theo Luật Xây dựng.

Tuy nhiên, các mục tiêu quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan là nhu cầu cấp thiết vì vậy việc lập Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn Thủ đô để thực hiện Luật Kiến trúc năm 2019, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ là một nhóm công việc cần ưu tiên thực hiện, không phụ thuộc nhiều vào các đồ án quy hoạch cấp trên (như Quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chung xã…).

 

 

Trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 rất cần cân nhắc kỹ lưỡng các chỉ tiêu, nếu không sẽ tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ hoàn toàn cấu trúc không gian cảnh quan hành lang xanh, nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại nhiều huyện của TP Hà Nội và không đi đúng định hướng của Bộ Chính trị “khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh”.

 

Mỗi điểm dân cư nông thôn khác nhau, Quy chế quản lý kiến trúc sẽ khác nhau. Về loại hình, Quy chế quản lý kiến trúc toàn thành phố và các Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn cũng khác nhau về mục tiêu quản lý, tính chất và nội dung. Do vậy, nếu dừng chờ hoặc “lồng ghép” sẽ không đảm bảo việc tuân thủ theo luật định và định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn của Thủ đô theo Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP.