Đó là những thông tin được thông báo trong buổi công bố Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) diễn ra sáng 19/4.
Xác lập hình ảnh trung tâm quyền lực
Sau gần 10 năm nghiên cứu, Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã hình thành. Đặc biệt, sau năm 2012, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với khu Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành Công viên lịch sử văn hóa, giới khoa học và người dân rất mong ngóng Quy hoạch chi tiết để xác định sẽ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị những di sản gì tại khu vực tập trung rất nhiều giá trị vật thể và phi vật thể của mảnh đất xuyên suốt 13 thế kỷ ngự trị của vương triều Việt.
Theo ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: “Năm 2007, UBND TP Hà Nội đã giao cho Trung tâm tìm đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Sau 8 năm trải qua rất nhiều lần hội nghị khoa học, báo cáo xin ý kiến Hội đồng khoa học và các cơ quan chức năng, dự án đã được Thủ tướng ủy quyền cho Bộ Xây dựng quyết định phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh bổ sung đồ án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500)”.
Đồ án quy hoạch gồm 3 nội dung là đồ án quy hoạch, đồ án bảo tồn, quy chế quản lý đầu tư xây dựng. Theo ông Vũ Đình Thành – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia: “Mục tiêu ưu tiên của quy hoạch là làm nổi bật và tôn vinh các giá trị đã được thế giới công nhận, đặc biệt thể hiện rõ hình ảnh khu trung tâm quyền lực cao nhất của quốc gia trải dài nhiều thế kỷ”. Quy hoạch sẽ tập trung làm nổi bật trục không gian từ Kỳ Đài đến Bắc Môn. Đây là trục liên kết các di tích kiến trúc quan trọng nhất hiện còn của di sản. Trên trục chính này sẽ bảo tồn nguyên trạng các di tích, công trình được xác định là tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử như Kỳ Đài, Hậu Lâu, Bắc Môn – thời Nguyễn; Đoan Môn, nền điện Kính Thiên – thời Lê; nhà và hầm D67, nhà và hầm Cục Tác chiến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Không chỉ bảo tồn phần “vỏ”
GS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng: “Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) xây dựng rất kỹ, sáng tỏ nhiều phương pháp bảo tồn các công trình di sản chồng lấn lên nhau. Đặc biệt, Quy hoạch đưa ra giải pháp bảo tồn, phục dựng điện Kính Thiên cùng nhà và hầm Cục Tác chiến”. Sau nhiều năm tranh cãi về phương pháp phục dựng điện Kính Thiên, lần này, bản Quy hoạch đã chỉ rõ từ nay đến năm 2020 sẽ bảo tồn nguyên trạng công trình Nhà con Rồng, tiếp tục nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên. Sau năm 2020, nếu có đầy đủ căn cứ khoa học sẽ tiến hành phục dựng điện Kính Thiên.
Theo ông Chức, các giai đoạn phục dựng điện Kính Thiên như vậy không phải quá chậm. Bởi Hà Nội mất thời gian dài để hoàn tất công việc bàn giao mặt bằng Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Hơn nữa, muốn phát huy giá trị di sản cần nghiên cứu để bảo tồn: “Tôi nghĩ rằng dựng lại điện Kính Thiên không phải vấn đề quá khó, mà Hà Nội cần chuẩn bị nội dung để phát huy giá trị công trình di sản này. Chúng ta đã có bài học đầu tư nghìn tỷ để xây nhà nhưng lại không nghĩ ra bỏ nửa nghìn tỷ để làm nội dung”.
Ông Nguyễn Đình Toàn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Ngay sau khi có Quy hoạch, Hà Nội cần sớm lên các đầu mục dự án ưu tiên, tránh lúng túng kéo dài bảo tồn theo kiểu ngắm nghía”. Để triển khai nội dung Quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu: “Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Sở QH-KT và các sở, ban, ngành TP tập trung thực hiện một số nhiệm vụ gồm: Lập, trình duyệt và triển khai Kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích, di sản các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Lập chương trình giới thiệu, đề cương trưng bày, lựa chọn hiện vật hiệu quả, khoa học, dễ tiếp cận...”. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tập trung cải tạo, trùng tu các di tích chính trên trục chính tâm như Kỳ Đài, Đoan Môn, thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn... Đồng thời, sẽ chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, chuyển đổi chức năng các công trình cho phù hợp với công năng sử dụng mới của khu di sản.
Quy hoạch được triển khai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quy hoạch, kiến trúc đô thị đặc sắc của dân tộc. Đồng thời, bảo tồn và tôn vinh được hình ảnh của khu kinh đô lịch sử, góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan cho khu Trung tâm chính trị Ba Đình, để Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long mãi là tài sản vô giá của cha ông để lại cho nhân loại, cho muôn đời con cháu mai sau.
Lễ công bố và bàn giao Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
|
Điện Kính Thiên. Ảnh Thanh Hải
|
Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai kế hoạch tổng thể, các dự án đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản. Hơn nữa, Quy hoạch sẽ góp phần xây dựng khu di sản thành Công viên lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội như mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý
|