Chưa đáp ứng nhu cầu
Hiện, toàn thành phố có 723 công trình thủy lợi đầu mối nhưng mới đáp ứng việc tiêu nước cho 161.285ha, đạt 76% diện tích cần tiêu (212.626ha). Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, hệ thống tiêu nước nông nghiệp của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khi có mưa dưới 250mm trong 3 ngày; nếu mưa trên diện rộng với lượng mưa từ 250 - 300mm trong 3 ngày sẽ xảy ra ngập úng, diện tích lúa bị ngập lên tới gần 40.000ha. Các khu vực khó khăn về tiêu úng hiện tập trung tại các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phú Xuyên và lưu vực tiêu trạm bơm Lại Thượng, An Vọng...
Không chỉ các trạm bơm tiêu chưa đáp ứng nhu cầu mà các trạm bơm tưới cũng không đảm bảo cung cấp nước cho cây trồng mùa khô. Ông Đông cho biết, hiện có 60 - 70 trạm bơm tưới phải bơm 2 cấp, thậm chí bơm 3 - 4 cấp vẫn không đáp ứng được nhu cầu tưới. Các trạm bơm tưới của Hà Nội mới chủ động tưới cho 131.115ha, đạt gần 80% diện tích yêu cầu. Diện tích chưa đáp ứng đủ nước tưới tập trung ở các vùng cây lâu năm, cây ăn quả và các vùng đồi gò thuộc khu vực Sóc Sơn, Hữu Tích, thượng Thanh Hà, các khu vực đất bãi và các khu vực ao nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa nhanh đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công trình tiêu thoát nước, gây úng ngập và khó khăn cho khu vực dân sinh.
Trạm bơm tiêu Cao Xuân Dương, huyện Thanh Oai được xây dựng từ năm 1987, hiện đã xuống cấp. Ảnh: Hoàng Quyết
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, do qua nhiều năm khai thác, hệ thống công trình thủy lợi của Hà Nội đã bị hỏng, xuống cấp. Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng cách đây hàng chục năm đã lạc hậu, công suất nhỏ, không đủ năng lực tiêu nước khi có mưa lớn kéo dài. Do vậy chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là trong những năm gần đây, khi tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường.
Ưu tiên đầu tư những công trình trọng điểm
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, mục tiêu quy hoạch thủy lợi đến năm 2020 là bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh trên địa bàn. Hướng quy hoạch thủy lợi phải phục vụ đa mục tiêu, vừa cấp nước, tiêu thoát nước, phòng chống lũ kết hợp với phục vụ giao thông, du lịch, cảnh quan đô thị.
Hệ thống công trình thủy lợi phải đáp ứng tưới cho 124.488ha cây trồng, tiêu nước cho 212.889ha, đáp ứng tiêu thoát nước kịp thời khi mưa 300mm liên tiếp trong 3 ngày. Mới đây, quy hoạch hệ thống thủy lợi Hà Nội đã được HĐND TP thông qua với tổng vốn đầu tư 64.292 tỷ đồng, phân thành 2 giai đoạn: Từ 2013 - 2015: 14.908 tỷ đồng; giai đoạn sau 2015: 39.385 tỷ đồng.
Để thực hiện quy hoạch, Sở NN&PTNT đã đưa ra phương án giải quyết nhiều vấn đề như xây dựng các công trình đáp ứng nguồn nước tưới bị thiếu hụt vụ Đông Xuân; cải tạo, nâng cấp các công trình trạm bơm tưới và hệ thống kênh dẫn bị xuống cấp, thiết bị cũ nát; xây dựng giải pháp cấp nước cho vùng chuyên canh rau, quả, vùng đồi gò bán sơn địa, vùng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã lập kế hoạch thứ tự ưu tiên đầu tư cho những công trình trọng điểm thuộc về các dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích từ Lương Phú - Ba Vì, dự án chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy, cải tạo các trạm bơm dọc sông Hồng: Xuân Phú, Thanh Điềm, Ấp Bắc, Đan Hoài, Hồng Vân; xây dựng mới trạm bơm Liên Mạc, Thượng Phú 2... Đối với khâu tiêu thoát nước sẽ cải tạo sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ. Cải tạo các trạm bơm đã xuống cấp tại Hiệp Thuận, Đông Yên, Đào Nguyên, Khe Tang 1, Bộ Đầu, Ngoại Độ 1...
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc hoàn chỉnh quy hoạch thủy lợi sẽ mở hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại.