Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch điện VII: Lãng phí lớn nếu không điều chỉnh lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những mục tiêu mà Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ tháng 7/2011 là đến năm 2020, sản lượng điện đạt khoảng từ 330 - 360 tỷ kWh và khoảng 700 - 800 tỷ kWh vào năm 2030.

Công nhân điện lực vận hành một trạm điện cao thế. 	Ảnh: Ngọc Thọ
Công nhân điện lực vận hành một trạm điện cao thế. Ảnh: Ngọc Thọ
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số nguồn điện và cung cấp khí không đáp ứng tiến độ, phát triển lưới điện truyền tải 220kV đạt thấp, đã ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.

Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, tập đoàn, hội đồng thẩm định để hoàn thiện Dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII.

Nhiều dự báo chưa phù hợp

Đánh giá về Quy hoạch điện VII, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã có nghiên cứu và đưa ra nhận xét: Do toàn ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng thực tế thấp (GDP chỉ khoảng 6%), dẫn đến nhu cầu năng lượng điện thấp hơn so với Quy hoạch điện VII. Cùng với việc thiếu vốn và đầu tư dàn trải, GPMB chậm, nhà thầu năng lực kém, thiết bị phụ trợ không kịp dẫn đến chậm tiến độ xây dựng. Bên cạnh đó, do không đồng bộ giữa nguồn và lưới điện đã dẫn tới nơi thừa, nơi thiếu điện… Quy hoạch điện VII đã đặt chỉ tiêu đối với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng còn thấp, trong khi tiềm năng của lĩnh vực điện này còn khá lớn; chưa quan tâm đầy đủ đến phát triển bền vững… Đây là những hạn chế, vấn đề lớn của Quy hoạch điện VII. Do có những dự báo sai lệch như vậy, nên “lần đầu tiên hệ thống điện Việt Nam có dư thừa để dự phòng” - nghiên cứu của GreenID và VSEA khẳng định.

Một hạn chế nữa trong Quy hoạch điện VII là giữa mục tiêu phát triển và phát triển bền vững, Quy hoạch thiên về mục tiêu phát triển. Trong khi đó, các mục tiêu về xã hội và bảo vệ môi trường mới chỉ được khuyến khích và không đưa vào kế hoạch thực thi. Quy hoạch đã lựa chọn phát triển nhiệt điện than với tỷ trọng tới 56% trong tổng sản lượng năm 2030. Điều này gây áp lực lớn đối với môi trường và xã hội, đặc biệt là việc nhập khẩu số lượng than lớn trở nên khó hoặc không khả thi. Do phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch (đặc biệt là than), nên theo tính toán của các chuyên gia, các tiêu chí đánh giá an ninh năng lượng của Việt Nam theo Quy hoạch điện VII quy định đều giảm nhanh.

Điều chỉnh sẽ giảm gánh nặng đầu tư

Cùng với đề xuất thực hiện chủ trương tới năm 2020 sẽ điều chỉnh giá điện ở mức 8 - 9 cent/kWh, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế đặc thù cho các dự án cấp bách trong Quy hoạch điện VII, như cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay vượt các hạn chế tín dụng 15% vốn tự có của ngân hàng với một khách hàng, vượt 25% với một nhóm khách hàng; có cơ chế giải quyết những vướng mắc trong chuẩn bị thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu đối với các dự án điện cấp bách…

Trong khi đó, theo tính toán của GreenID và VSEA về nhu cầu điện cho giai đoạn tương ứng trong Quy hoạch điện VII, phương án cơ sở có nhu cầu điện năm 2030 là 464,7 tỷ kWh, chỉ bằng 76% dự báo của Quy hoạch điện VII. Đối với phương án tiết kiệm điện, khi xem xét đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhu cầu điện vào năm 2030 là 407 tỷ kWh, chỉ bằng 66% của Quy hoạch điện VII. Xét về giá trị tuyệt đối của điện sản xuất, phương án tiết kiệm do GreenID đề xuất sẽ giúp giảm được 223 tỷ kWh so với Quy hoạch điện VII vào năm 2030, tương đương với việc có thể cắt giảm được 13,7 tỷ kWh từ nguồn điện nguyên tử và 194 tỷ kWh từ nguồn điện than nhập khẩu. Với việc giảm dự báo nhu cầu điện, tăng khả năng tiết kiệm điện để cắt giảm nguồn điện, Việt Nam có thể không cần đầu tư xây dựng 5.000MW điện nguyên tử và 30.000 - 40.000MW nhiệt điện than xây mới. Thay vào đó có thể sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu. Điều này giúp giảm gánh nặng vốn đầu tư, chi phí vận hành, giảm đáng kể các tác động của nhiệt điện than đối với môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu, song vẫn đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế 7% mà Chính phủ đề ra trong giai đoạn tới.

Và để thực hiện được như vậy, cần có sự đổi mới trong tư duy quy hoạch, quan tâm hơn tới vấn đề kinh tế, hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng; đẩy mạnh hơn nữa đưa năng lượng mới, năng lượng tái tạo vào Quy hoạch, bởi những năng lượng này có khả năng cạnh tranh với nhiệt điện…
Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, khối lượng đầu tư công trình nguồn điện chỉ đạt 69% so với kế hoạch; tổng công suất nguồn đưa vận hành được 10.081MW, đạt 69,1%; đầu tư lưới điện truyền tải chỉ đạt 50% so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ là do khó khăn trong việc thu xếp vốn; GPMB; năng lực nhà thầu hạn chế; khó khăn trong việc nhập khẩu than khiến một số dự án nhiệt điện than phải thay đổi thiết kế.