Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch đô thị biển miền Trung: bối cảnh mới cần tư duy mới

Sỹ Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2009 được xem là năm biến đổi cơ hội của các đô thị biển miền Trung, khi lần đầu tiên, Đà Nẵng mở thế đột phá khai thác bất động sản ven biển.

Toàn cảnh TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lam Thanh
Toàn cảnh TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lam Thanh

Từ đó đến nay, phân khúc bất động sản của các đô thị duyên hải đã có nhiều thay đổi, và theo xu hướng vận động đầu tư sẽ càng có nhiều chuyển biến mới. Liệu công tác quy hoạch của các nhà quản lý có dẫn dắt được xu thế này?

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, trong phân cấp đô thị lâu nay, nhìn nhận vai trò các đô thị biển vẫn chưa rõ ràng. Nhất là nhóm đô thị ở duyên hải miền Trung, vốn có vị trí nhất định trong lịch sử phát triển xã hội, song cho đến nay, vẫn chưa rõ ràng về định hướng quy hoạch để thu hút đầu tư phát triển.

Nhùng nhằng giữa cũ và mới

Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng từng nhận xét, vùng duyên hải miền Trung như là “mặt tiền” nhìn ra biển Đông, có sự hội tụ phát triển những đô thị biển trong lịch sử đã qua, đóng một vai trò rất lớn về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Gần đây nhất, là sự đánh dấu “trỗi dậy” của Đà Nẵng với kế hoạch khai thác vùng sông biển thành lợi thế kinh tế du lịch và dịch vụ. Theo ông Trương Văn Quảng, tốc độ đô thị hóa từ trung tâm Đà Nẵng qua bán đảo Sơn Trà, ngược lên Hải Vân, Hòa Ninh dọc sông Cu Đê, đánh dấu thay đổi lớn lao về tư duy “đất ở đô thị mới”. Chính bờ biển Đà Nẵng được khai thác đã tạo động lực cho chuỗi đô thị dọc bờ biển vươn lên, phía Bắc có Chân Mây - Lăng Cô, Thuận An ngược ra Cửa Lò, Cửa Việt…, phía Nam có Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành, Dung Quất, Đức Phổ, Bồng Sơn… vào tận Phù Cát, Quy Nhơn, Tuy Hòa…

 

Quyết định 1085/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vùng trọng điểm kinh tế miền Trung đến năm 2025 sẽ có 86 đô thị, trong đó có 43 đô thị mới, thì đa phần đều giữ vị trí “cụm đô thị động lực”, như cụm Huế -Tứ Hạ - Phú Bài – Thuận An – Bình Điền; cụm Chân Mây – Đà Nẵng – Điện Nam – Hội An… Trong đó, các đô thị nổi trội như Huế, Đà Nẵng, Hội An được định vị là động lực quan trọng. Những đô thị này, sự thật đều là đô thị biển. Tốc độ đô thị hóa ở những điểm nhấn đô thị này càng nhanh, càng lan tỏa, thì sức mạnh kinh tế - xã hội càng lớn.
Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Trương Văn Quảng

Vấn đề đặt ra là làm sao cân đối được giữa giá trị văn hóa lịch sử và kinh tế hội nhập. Đây là thách thức không đơn giản với các nhà quản lý, quy hoạch và cả cộng đồng.

Nguyên Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Sự nhìn nhận, truyền thống và hiện đại đang là vấn đề đặt ra với những đô thị miền Trung. Đơn cử Hội An, ai cũng công nhận giá trị văn hóa phố cổ, dấu ấn truyền thống với không gian cộng đồng không thể phá vỡ, thậm chí đến kiến trúc cao tầng như nhà chung cư cũng không thể chấp nhận được ở TP này.

Vậy thì làm sao Hội An phát triển đời sống hiện đại, số hóa văn minh cho người dân? Ngược lại, đô thị mới vươn lên như Đà Nẵng, với những khối phố đô thị mới xây dựng cao tầng, sầm uất, sẽ lại là nguy cơ làm mất đi những khu phố chợ cũ, những bóng dáng lịch sử ẩn khuất sau từng địa danh, ngõ xóm…

Định vị quy hoạch đô thị biển

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng, để thực sự quy hoạch các đô thị biển, cơ quan quản lý cần định vị rõ tầm nhìn, giá trị của các đô thị duyên hải, có chiến lược phát triển đúng mực và xứng tầm. Nhùng nhằng giữa các đô thị cũ và mới, giữa văn hóa truyền thống với xu thế hiện đại, chỉ có thể được giải quyết thấu đáo, khi các cấp quản lý xem xét và từng bước thực hiện hai việc cơ bản.

Thứ nhất, cần sớm đưa khái niệm đô thị biển vào trong quy định pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù, từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững, trên cơ sở phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển. Đây không phải là một sáng kiến mới, mà theo các nhà quy hoạch, đã được các nước phát triển đề cập từ lâu. Chỉ có thống nhất tên gọi, dạng thức đô thị biển, mới không bị nhầm lẫn, pha trộn vào các hình thái đô thị khác và ấn định rõ được hướng đầu tư cho mỗi đô thị.

Ví dụ với đô thị Hội An, vị thế đô thị biển có giá trị văn hóa lịch sử là quan trọng, sẽ khác với đô thị Thuận An ở Huế, trong tầm nhìn phát triển tương lai phải là đô thị mới, trẻ trung, năng động với nhiều tiêu chí quản lý khác đi. Câu chuyện môi trường sống, bảo đảm sinh thái với Hội An sẽ dễ dàng hơn là với Thuận An tương lai, song đổi lại, cơ hội vượt bậc kinh tế, với các dòng nhân lực trẻ được thu hút về nếu Thuận An thực sự là đô thị biển được đầu tư hiện đại, sẽ cách xa đô thị Hội An.

Thứ hai, cần bổ sung quy hoạch hệ thống đô thị biển vào quy hoạch tổng thể quốc gia, như là một thành phần tất yếu. Đây là hướng xác định mới đối với tư duy quy hoạch xã hội lâu nay. Với những yêu cầu phát triển kinh tế, định vị các mũi nhọn nên đầu tư, các đô thị được quy hoạch sẽ thể hiện những tầm nhìn về văn hóa - xã hội, giá trị đầu tư, thặng dư kinh tế ngành, nhưng không làm rõ được các giá trị tổng thể. Khi xác định rõ các đô thị biển được quy hoạch ra sao, định hướng đầu tư, xây dựng, thiết kế các không gian, tiêu chí môi trường… cũng sẽ khác đi.

Một đô thị biển hiện đại như Đà Nẵng, sẽ chọn lựa thế nào về các giá trị đầu tư vào văn hóa, lịch sử, kiểm soát môi trường, thiết kế quy hoạch giao thông; và điều đó sẽ khác biệt gì với một đô thị biển thuần tính ngư nghiệp như TP Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ tương lai? Giải đáp được câu hỏi này, chắc chắn vấn đề định hướng chiến lược cho các đô thị biển sẽ rõ ràng hơn.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, những vấn đề chính yếu để xây dựng sức mạnh thực sự cho các đô thị biển, là phải giải quyết tốt ba nội dung: quy hoạch đô thị biển phải như thế nào; lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị biển ra sao và kiến thiết không gian cuộc sống của người dân cách nào. Nếu quy hoạch tốt mà mô hình tổ chức chính quyền không đáp ứng được, nếu quy hoạch hướng đến tính hiện đại mà phá vỡ không gian sinh tồn của người dân, thì hệ lụy về sau sẽ rất lớn.
Làm sao hài hòa được cũ và mới, trên nền tảng tiến bộ vẫn giữ được lợi thế phát triển đã có, là câu hỏi thực sự cam go với các đô thị biển hiện nay!