Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch đô thị vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/7, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững ĐBSCL tại Hậu Giang”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nội dung về chính sách quản lý rủi go thiên tai, từ kiến thức đến việc tích hợp rủi ro vào quy hoạch và phát triển lãnh thổ ở Pháp; thực hành tốt trong việc triển khai các chính sách quản lý rủi ro thiên tai tại các vùng đồng bằng và cách tiếp cận khả năng chống chịu của địa phương.

Ngoài ra, xác định và thảo luận về các công cụ và phương pháp thực tiễn để tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị và phát triển, thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị bằng cách tăng cường khả năng chống chịu; điều chỉnh các định hướng chính của cách tiếp cận khả năng chống chịu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu...

Quang cảnh hội thảo. 
Quang cảnh hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: ĐBSCL là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Toàn bộ 13 tỉnh, TP tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên (Kiên Giang), TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP. Cần Thơ).

Với tính chất quan trọng của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 04 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42-48%; định hướng phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.

"Để triển khai các định hướng nêu trên của Nghị quyết 06 và các nghị quyết, chiến lược liên quan, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tích hợp được các yêu cầu về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị." - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng chia sẻ về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL.
Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng chia sẻ về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL.

Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang xác định chủ trương phát triển đô thị nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đô thị của tỉnh đã thay đổi rõ nét theo hướng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. 

Để từng bước cụ thể hóa các nội dung phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án “Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy. Hiên nay, dự án đã được HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua chủ trương đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.211 tỷ đồng (tương đương 44,5 triệu Euro), sử dụng nguồn vốn vay AFD và vốn đối ứng của tỉnh, thời gian thực hiện năm 2023 - 2026.

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu. Trong đó, ĐBSCL được cảnh báo là 1/3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất thế giới. Dự báo, trong thời gian tới, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5 -1m vào cuối thế kỷ XXI (0,47m/năm).

Chia sẻ về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, bà Trần Thị Lan Anh cho rằng, cần tập trung mô hình phát triển hệ thống đô thị - nông thôn. Cụ thể, kết hợp phi tập trung và tập trung “nén” - chủ động “dành chỗ cho nước”; đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa hình tự nhiên.

Đồng thời, lồng ghép giải pháp phát triển hạ tầng kĩ thuật với giải pháp phát triển giao thông- thủy lợi; liên kết đô thị nông thôn theo tiểu vùng ngập để có giải pháp chống ngập và mô hình phát triển phù hợp, tương thích...