Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch, Đồng bộ biển hiệu quảng cáo trên đường phố Hà Nội: Nhìn từ các đô thị trên thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tấm biển quảng cáo độc đáo, đa dạng về màu sắc, kích cỡ không còn xa lạ trên các quảng trường, đại lộ hay các con phố nổi tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có một quy định khác nhau để đảm bảo được lợi ích của DN và văn minh đô thị.

Nhìn từ châu Á...

Tại Nhật Bản, các biển quảng cáo dù có thể hiện sự thoải mái trong phong cách thiết kế thì vẫn phải tuân thủ những quy định về không gian đô thị và chuẩn mực thiết kế. Ví dụ như, không được phép đặt biển quảng cáo trong các khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Các biển quảng cáo cũng bị cấm đặt trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu công viên cây xanh, nghĩa trang, hầm mộ.
Tại Pháp, biển hiệu quảng cáo phải tuân theo quy định về kích thước của tuyến phố, nhưng được phép lựa chọn màu sắc riêng.
Tại Pháp, biển hiệu quảng cáo phải tuân theo quy định về kích thước của tuyến phố, nhưng được phép lựa chọn màu sắc riêng.
Nhiều khu vực tại Nhật Bản cũng quy định về việc lắp đặt biển quảng cáo như nào để phù hợp với cảnh quan của cả khu phố. Mỗi khu vực trong trung tâm các TP lớn như Tokyo hay Osaka đều có một chủ đề quảng cáo riêng, phụ thuộc vào mặt hàng và dịch vụ kinh doanh của cả khu vực.

Ở Hàn Quốc, các DN, công ty, cửa hàng vẫn phải đảm bảo những yếu tố thuần phong mỹ tục, văn hóa kinh doanh... Tại một số con phố mua sắm kiểu mẫu, biển hiệu phải tuân theo quy định về kích thước, còn màu sắc và font chữ vẫn đảm bảo được yếu tố thương hiệu của DN.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, ở mỗi tỉnh, thành, mỗi khu vực, mỗi con phố, thậm chí là mỗi khu dân cư đều có những quy định riêng về việc lắp đặt biển quảng cáo. Tuy nhiên, tất cả các loại biển quảng cáo này đều phải đảm bảo chấp hành các quy định chung như phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không được đăng tải những hình ảnh phản cảm, lố bịch, phải lắp đặt biển quảng cáo đúng kích cỡ và đúng nơi quy định. Tùy từng khu vực, chính quyền địa phương sẽ cho lắp đặt những loại biển quảng cáo ngang dọc với kích cỡ và phong cách khác nhau. Đa số biển quảng cáo đều được lắp đặt ở những khu vực mua sắm sầm uất, nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại.

Từ năm 2001, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm các quảng cáo phô trương, thể hiện lối sống xa hoa nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh, tránh tạo cảm giác về phân hóa giàu nghèo.

... đến các đô thị châu Âu

Biển hiệu trong đô thị ở các nước châu Âu được phân loại theo vị trí treo biển hiệu và mục đích của biển hiệu, cụ thể ra thành ba loại: Biển hiệu ở nơi công cộng, biển hiệu ở xí nghiệp, cửa hàng và nhà dân và biển hiệu cho những sự kiện nhất thời.

Mỗi nước và mỗi đô thị có quy định khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ treo biển hiệu, bất cứ thuộc loại gì, đều phải xin phép chính quyền, trừ những loại thuộc diện được chính quyền quy định cụ thể và rõ ràng là không phải xin phép chính quyền. Trong luật về quảng cáo đa phần không có quy định về kích cỡ hay màu sắc của biển hiệu trong đô thị mà chỉ quy định nội dung trên đó phải rõ ràng, không được phép quảng cáo trá hình. Vì thế, quy định liên quan đến quản lý biển hiệu trong đô thị thường thuộc quyền xử lý của chính quyền đô thị.

Ở các khu công cộng, tức là những không gian và vùng đất không thuộc sở hữu tư nhân, mọi biển hiệu, bất kể phục vụ cho mục đích gì, sử dụng ngắn hạn hay dài hạn của cá nhân hay tổ chức đều phải xin phép chính quyền đô thị và đều phải được lắp đặt sao cho không ảnh hưởng gì đến những loại biển hiệu cần thiết cho cuộc sống mọi mặt của đô thị như biển báo hiệu giao thông, hướng dẫn chỉ đường, thông tin công cộng...

Tư nhân, cá nhân cũng như DN, sở hữu đất đai, nhưng tất cả không gian tiếp giáp với khu vực đất đai này nếu được sử dụng để trưng biển hiệu riêng thì cũng đều phải xin phép chính quyền TP. Nhà dân thường không treo lâu dài bất cứ biển hiệu gì. Xí nghiệp hay cửa hàng muốn treo biển hiệu thì phải xin phép với thiết kế cụ thể về kích cỡ, nội dung và màu sắc ngay từ khi xây dựng hoặc cải tạo và về sau muốn sửa đổi nội dung, kích cỡ hay màu sắc thì đều phải xin phép chính quyền đô thị.

Trong luật pháp quốc gia và quy định quản lý đô thị không có quy định bắt buộc về đồng loạt mầu sắc hay kích cỡ, ngôn ngữ cho cả tuyến phố. Tất cả những biển hiệu quảng cáo với kích cỡ nhỏ hơn một mét vuông hoặc chỉ sử dụng nhất thời, tức là cho một khoảng thời gian nhất định, như quảng cáo chương trình khuyến mại... Thì không phải xin phép chính quyền đô thị.