Nhiều vướng mắc
Thời gian qua, UBND các huyện đã bám sát Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quản lý và thực hiện công tác quy hoạch ở địa phương đã được phê duyệt, điều chỉnh. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội về lĩnh vực quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn TP giai đoạn 2008 - 2019 tại các huyện mới đây cho thấy, còn nhiều vướng mắc trong quản lý và thực hiện quy hoạch, nhất là ở cấp xã.
Lựa chọn mô hình quy hoạch ngoại thành không thể chỉ dựa vào đơn vị hành chính mà cần theo phân vùng chức năng sản xuất lâu dài, với nội dung đổi mới, tích hợp đa ngành xác định bước đi cho từng giai đoạn để đô thị Hà Nội không chắp vá. Đây là thách thức cần nghiên cứu đề xuất mà trách nhiệm đầu tiên là của người làm quy hoạch. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm |
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, huyện đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh và tập trung thực hiện Đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận vào giai đoạn 2020 - 2025. Hàng loạt dự án trọng điểm của T.Ư và TP đang triển khai. Nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án trên địa bàn; một số quy hoạch phân khu đang được nghiên cứu điều chỉnh... Do vậy, các khu vực dân cư hiện có cần phải quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hóa.
Ông Lê Trung Kiên cho biết thêm, hiện tại, có một số xã trên địa bàn huyện có diện tích một phần nằm trong đô thị, một phần nằm ngoài đô thị như xã Dục Tú, xã Xuân Nộn, xã Liên Hà, xã Thụy Lâm nên rất cần TP cho phép nghiên cứu thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu vực trên theo hướng đô thị phù hợp với Đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận.Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên cho biết, chất lượng thực hiện quy hoạch của huyện còn hạn chế. Một trong những vướng mắc là 3 xã Yên Bình, Tiến Xuân, Thạch Hòa có 80% diện tích nằm trong vùng quy hoạch Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nên chưa thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung.
Gây áp lực cho đô thị trung tâm
Theo đánh giá của Sở QH - KT Hà Nội, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng tại 18 đơn vị cấp huyện Hà Nội còn dàn trải, chưa có các phân tích, đánh giá tổng hợp và nhận diện đầy đủ các vấn đề mang tính đặc thù. Tại khu vực 5 huyện ven đô (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) có tốc độ đô thị hoá nhanh, tỷ lệ diện tích và dân số đô thị cao hơn rất nhiều so với các huyện còn lại. Trong khu vực đô thị tại 5 huyện này, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có (nằm trong các quy hoạch phân khu đô thị) chưa được triển khai đồng bộ với các dự án phát triển đô thị tiếp giáp xung quanh, dẫn đến những bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý theo quy hoạch trong tương lai gần, khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận. Nhiều huyện chưa hoàn thành công tác cắm mốc giới, đặc biệt là mốc giới phân ranh giữa khu vực đô thị và nông thôn, gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp giấy phép xây dựng tại địa phương.
Hiện hầu hết các huyện, đặc biệt tại 5 huyện với 92 xã ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn. Do vậy, tình trạng xây dựng lộn xộn vẫn sẽ diễn ra, không có khoảng lùi cho công trình nhà ở hoặc chia nhỏ các thửa đất vườn để chuyển nhượng, mua - bán quyền sử dụng... Điều này tiếp tục làm gia tăng các áp lực về dân số, hạ tầng cơ sở và môi trường sinh thái đối với khu vực đô thị trung tâm.
Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Trúc Anh cho biết, ở các nước tiên tiến, thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn ven đô là một lĩnh vực hoạt động chuyên môn rất được coi trọng và tiến hành song song với quy hoạch chi tiết cũng như thiết kế đô thị. Tuy nhiên, lĩnh vực thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn trên địa bàn Thủ đô là lĩnh vực còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức.