Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch đóng vai trò giảm thiểu nguy cơ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 13/4, Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (Un Habitat) đã công bố Báo cáo toàn cầu về Định cư Con người 2011 với tiêu đề "Thành phố và biến đổi khí hậu".

KTĐT - Ngày 13/4, Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (Un Habitat) đã công bố Báo cáo toàn cầu về Định cư Con người 2011 với tiêu đề "Thành phố và biến đổi khí hậu".

Với Việt Nam, Báo cáo đã chỉ ra những thách thức lớn đặt ra cho các đô thị mà một trong những giải pháp quan trọng đó là lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị.

 

Các thành phố lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng


Theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc Un Habitat ở Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, tăng sự xâm mặn, lượng mưa tăng và hạn hán trầm trọng hơn. Có một lượng lớn các thành phố, cơ sở hạ tầng chính và khu công nghiệp nằm dọc ven biển. Một báo cáo của ADB năm 2009 cũng cho thấy rằng, hơn 77% dân số quốc gia sống trong phạm vi 100km tính từ bờ biển, có nghĩa là, hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong vài thập kỷ tới. Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng nằm trong số các thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu.


Báo cáo của Un Habitat đã chỉ ra 4 thách thức đặt ra cho các đô thị của Việt Nam: Một là, do mực nước biển trung bình dâng, các thành phố nằm dọc theo bờ biển và vùng đồng bằng đất trũng đối mặt với mối đe dọa ngập lụt và hiện tượng xâm mặn, tạo thêm áp lực về vấn đề di dời và di cư, đặc biệt là từ nông thôn ra thành thị. Hai là, biến đổi khí hậu đặc biệt tác động tới vùng đồng bằng sông Cửu Long với mực nước biển trung bình dâng làm xuất hiện áp lực lâu dài đối với sản xuất và sản lượng lúa gạo… Ba là, các mối đe dọa gây ra bởi biến đổi khí hậu sẽ làm tăng những thách thức về nhà ở và các cơ sở hạ tầng mà các thành phố đã và đang phải đối mặt như cấp nước, thoát nước, giao thông vận tải. Bốn là, các thành phố vẫn còn thiếu kiến thức về các biện pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính cũng như khả năng lồng ghép vấn đề này vào các quy hoạch đô thị.


Theo đánh giá của Un Habitats, một trong những giải pháp mà các thành phố có thể áp dụng để ứng phó với biến đổi khí hậu là điều chỉnh cách thức hoạt động và đưa ra các chiến lược thực tiễn để nâng cao năng lực. Tiến hành đánh giá mức độ tổn thương để xác định những nguy cơ chung và riêng với từng quy hoạch phát triển đô thị, từng khu vực địa lý khác nhau và quyết định mục tiêu, đường lối thực hiện để giảm những nguy cơ này.


Khuyến nghị cho quy hoạch
Hà Nội


Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia của Un Habitat cho biết, trong quá trình lấy ý kiến về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Un Habitat đã tham gia và đưa ra khuyến nghị Hà Nội nên áp dụng phương pháp quy hoạch đô thị mới đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới với tiêu chí phát triển xã hội đa chiều. Quy hoạch nên đưa ra những định hướng phát triển hơn là quy định một cách cứng nhắc về các vấn đề như dân số của đô thị sẽ là bao nhiêu dân bởi điều này là áp đặt và không thực tiễn… Các chuyên gia của Un Habitat cho rằng, Hà Nội nên tiết kiệm đất, không nên phát triển một cách rải rác, xây dựng nhiều dự án mà không liên kết hạ tầng sẵn có thì hiệu quả không cao, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng mới rất tốn kém, lấy đất nông nghiệp làm hạ tầng gây khó khăn cho người dân về việc làm. Hà Nội cần có công cụ kiểm soát phát triển để quy hoạch và cơ chế thực hiện không quá phụ thuộc vào yếu tố cơ chế thị trường.


Cũng về quy hoạch Hà Nội, ông Koos Neefjes, Tư vấn chính sách về biến đổi khí hậu (UNDP) đánh giá, trong quá trình xác lập Quy hoạch chung, Hà Nội đã đưa ra một số vấn đề về biến đổi khí hậu nhưng nên có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Cần quan tâm ngay từ những giai đoạn đầu của quy hoạch về các vấn đề như Hà Nội sẽ thích ứng thế nào với biến đổi khí hậu về cấp nước, ngập lụt, an toàn ngập lụt... Đồng thời, đưa ra những biện pháp thực thi nhằm giảm thiểu khí các bon với những yêu cầu cụ thể về quản lý rác thải, bãi chôn lấp. Cần có những dịch vụ cơ bản gắn kết với các vấn đề về môi trường, những vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của thành phố.