Quỹ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 7 - 8% (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô phải tương đương mức 20 - 25%). Trong khi, mật độ dân số ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt và chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát.
Đại lộ Thăng Long có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Vùng Thủ đô và các tỉnh. Ảnh: Thanh Hải |
Thiếu tầm nhìn quy hoạch Trong nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc giao thông trầm trọng tại các đô thị lớn hiện nay, vấn đề nan giải nhất chính là quỹ đất dành cho giao thông hiện quá thấp so với yêu cầu. Khi thị trường bất động sản "nóng sốt", các nhà đầu tư chủ yếu quan tâm tới việc xây dựng diện tích nhà ở để bán, không quan tâm tới quỹ đất dành cho giao thông và các mục đích công cộng khác. Cụ thể, như đất để bảo đảm chất lượng môi trường cây xanh và mặt nước, đất dành cho không gian công cộng bảo đảm nhu cầu nghỉ ngơi của con người, đất làm nơi sinh hoạt chung của người cao tuổi, nơi vui chơi của trẻ em, đất phát triển dịch vụ công cộng… đều bị thiếu hụt so với quy hoạch. Trong quy hoạch, các loại đất đạt tiêu chuẩn cho cuộc sống của cư dân đều được cân nhắc và thu xếp hợp lý. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, quỹ đất này biến hóa dần, hoặc chuyển sang sử dụng vào mục đích khác, hoặc có quy mô nhỏ đi. Các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào đất ở, cố gắng xây dựng nhà ở trước để bán, còn đường giao thông và các không gian công cộng khác để lại sau, tìm mọi lý do để giảm đầu tư, giảm càng nhiều càng tốt. Quy hoạch trên phạm vi toàn đô thị của chúng ta cũng có những vấn đề nhất định. Ở các nước, quy hoạch quan tâm đến chỗ ở chứ không phải chỉ là nhà ở, chỗ ở gồm có nhà ở, các dịch vụ công cộng và hạ tầng kèm theo làm cho nhu cầu cuộc sống được thỏa mãn ngày càng cao. Một mặt, tư duy còn lại từ thời kỳ bao cấp gắn với nông nghiệp làm cho chúng ta chưa quan tâm nhiều tới chất lượng cuộc sống, chưa hướng theo các quy luật của thị trường. Mặt khác, sự thiếu chuyên nghiệp trong quy hoạch làm cho chúng ta không quan tâm tới tính toán chi tiết, cặn kẽ về mối quan hệ giữa số lượng cư dân thực tế và yêu cầu cần thiết của hạ tầng và dịch vụ công cộng. Lượng cư dân thực tế bao giờ cũng vượt xa so với lượng cư dân theo quy hoạch. Quy hoạch về hạ tầng và dịch vụ công cộng cũng không đủ cho lượng dân cư ước theo quy hoạch. Kỹ thuật dự báo không tốt và tầm nhìn thường ngắn hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc giao thông. Vào giờ cao điểm, lượng phương tiện quá nhiều so với mặt đường kết nối với các khu dân cư có mật độ quá cao. Các đô thị lớn hiện nay, trong đó có TP Hà Nội, đang đứng trước thực trạng của áp lực gia tăng dân số cơ học. Chúng ta đã và đang sử dụng giải pháp ngăn gia tăng dân số cơ học bằng pháp luật và can thiệp hành chính. Chắc chắn đây không thể là giải pháp khả thi. Thị trường đô thị luôn có sức hút lớn làm cho dòng người tìm việc làm, dòng người di cư luôn hướng tới các đô thị lớn. Đây là một thách thức lớn đối với toàn bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ công cộng tạo các đô thị lớn, trong đó có hệ thống giao thông đô thị, khi mà quỹ đất dành cho giao thông nội thị được quy hoạch quá thấp. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp Để giải quyết vấn đề này, trước tiên, phải giải bài toán quy hoạch. Chúng ta phải có các số liệu thống kê đầy đủ về hiện trạng dân cư và hạ tầng, dịch vụ công cộng. Từ đó, có thể tính toán lại bài toán quy hoạch đô thị gắn với các giải pháp điều chỉnh dân cư cho phù hợp với sức chịu tải của hạ tầng và dịch vụ công cộng. Tại những khu phát triển đô thị mới, quy hoạch cũng cần được rà soát để điều chỉnh với tầm nhìn dài hơn. Điều quan trọng hơn là đừng bớt xén, thay đổi không gian công cộng so với quy hoạch vì lời thỉnh cầu của các nhà đầu tư; chúng ta đừng phá vỡ quy hoạch trong quá trình thực hiện do sức nóng của thị trường bất động sản nhà ở. Giải pháp dài hạn cần nghĩ tới là phải sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ dân cư. Có nhiều khu vực, chúng ta quy hoạch một số lượng dân cư nhất định nhưng dân số thực tế luôn vượt quy hoạch. Căn hộ dự tính cho 4 người ở nhưng thực tế có tới 10 người ở. Đây là tình trạng thực của những khu vực có sức hút kinh tế lớn, thường khó kiểm soát được dân số. Tại đây, không thể bằng biện pháp hành chính để giảm dân số.
Phố Chùa Bộc thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Linh Anh |
Cách thức hữu hiệu là dựa trên nguyên tắc điều chỉnh lợi ích mang tính thị trường hơn để điều chỉnh dân cư, đó là thuế nhà đất. Mức thuế ở vùng đô thị có khả năng sinh lợi cao phải cao hơn các vùng có khả năng sinh lợi thấp. Các cư dân sẽ cân nhắc lợi ích sau thuế để quyết định mình ở đâu phù hợp với thu nhập của mình. Ở nhiều nước châu Âu, sắc thuế cao ở trung tâm đô thị khiến cho nhiều người dân quyết định tản ra ngoại ô, thậm chí ra các TP vệ tinh. Gần đây, nhiều TP lớn ở châu Âu phải giảm thuế ở trung tâm để hút người dân quay trở lại vì trung tâm còn lại quá ít người ở. Đây chính là công cụ tốt nhất để điều chỉnh mật độ dân số, điều chỉnh tự nguyện và đồng thuận. Hiện nay, thuế nhà đất của ta quá thấp. Các nước họ đánh thuế suất từ 1 - 2%, tỷ suất thuế của ta chỉ có 0,03% mà lại chỉ đánh thuế vào đất, không đánh vào nhà. Tiếp cận thuế bất động sản như vậy rất khó có thể sử dụng thuế làm công cụ điều chỉnh, bố trí lại dân cư.Việc di dời một số cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học từ nội đô ra ngoại vi là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm giảm sức ép về dân số và giao thông cho nội đô, tuy nhiên tiến độ thực hiện rất chậm. Chủ trương đúng nhưng thực hiện lại thiếu cương quyết nên quá chậm. Tôi cho rằng, ở Việt Nam, việc gì cũng quyết liệt thực hiện như người tham gia giao thông bằng xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, như thế sẽ thành công. Đại học Quốc gia Hà Nội đã được quy hoạch cả chục năm trước lên khu đất ở Nông trường 1A (Hòa Lạc), đã triển lãm cả mô hình xây dựng, vậy mà đến nay chưa xây dựng được nhiều, người lên cũng không đáng kể... Nhiều trường đại học khác cũng tương tự, đã có quy hoạch chuyển ra ngoài Hà Nội nhưng vẫn thấy bổ sung nhiều hạng mục xây dựng cơ bản khá lớn tại địa điểm cũ.