Hà Nội: Quy hoạch hệ thống trụ sở bộ, ngành giúp nội đô đạt mục tiêu kép

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng chậm di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô, tới đây, trong điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHC1259), Hà Nội sẽ có định hướng rõ hơn về vấn đề này. Trong đó, kiến nghị có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời để TP ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, đặc biệt tại khu vực nội đô lịch sử, nơi hạ tầng đô thị đã quá tải.

Chậm di dời vì vướng cơ chế chính sách
Theo định hướng QHC1259 được duyệt, đối với các cơ quan chính trị - hành chính cấp quốc gia tiếp tục bố trí tại khu vực Ba Đình, cải tạo và nâng cấp thành quần thể kiến trúc cảnh quan tiêu biểu. Thực hiện di dời một số chức năng để có điều kiện cải tạo nâng cấp về điều kiện làm việc và hạ tầng cơ sở tại khu vực này. Đối với cơ quan hành chính của TP tiếp tục đặt vị trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Các cơ quan công sở của TP sẽ được hợp khối chức năng và xác định ở vị trí thích hợp.
Đặc biệt, quy hoạch đã định hướng đối với công sở cơ quan T.Ư sẽ di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử về các khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Quỹ đất sau khi di dời dành để giải quyết nhu cầu mất cân đối về hạ tầng xã hội của địa phương và TP.
Cụ thể hóa QHC1259, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 130/2015/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị trong nội thành cũng như giao nhiệm vụ cụ thể đến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch hệ thống công sở vẫn chưa được phê duyệt.
Phương án đạt giải A Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây vừa được Bộ Xây dựng công bố.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho hay, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu thực tiễn của các bộ, ngành, TP Hà Nội đã giới thiệu địa điểm xây dựng và chấp thuận quy hoạch trụ sở các bộ ngành, cơ sở bệnh viện, giáo dục, cơ quan đơn vị để phục vụ công tác di dời. Mặc dù đến nay đã có 9 bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới song nhiều bộ tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, hầu như chưa có bộ nào thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thông tin, trong quá trình triển khai điều chỉnh tổng thể QHC1259, tới đây, một vấn đề nổi trội sẽ được Hà Nội rà soát, xây dựng đó là quy hoạch hệ thống công sở tích hợp vào Điều chỉnh tổng thể QHC1259 và Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TP Hà Nội sẽ giám sát, chỉ đạo thực hiện quyết liệt Quyết định 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất cũng như cơ chế chính sách đối với các khu đất sau khi di dời. Sớm hoàn chỉnh các danh mục, tiêu chí, lộ trình, cơ chế và biện pháp di dời. Đặc biệt, có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài nội thành để Hà Nội ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, đặc biệt tại khu vực nội đô lịch sử, khu vực có hạ tầng đô thị quá tải.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố kết quả Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở các bộ, ngành T.Ư tại khu vực Tây Hồ Tây. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, sau kết quả cuộc thi những ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể sẽ được sử dụng làm làm cơ sở hoàn thiện Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của các đoàn thể tại Thủ đô đến năm 2030 và công tác chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng các trụ sở làm việc của 12 bộ, ngành tại khu vực Tây Hồ Tây.
Như vậy, đã có những bước đi đầu tiên để triển khai tổ hợp công trình trụ sở làm việc ở khu vực Tây Hồ Tây, nhằm sớm di dời trụ sở các bộ ngành ra khỏi các quận lõi nội đô trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện có hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp khỏi nội thành Hà Nội đều đã được đặt ra từ Quy hoạch chung Hà Nội năm 1998 đến quy hoạch chung năm 2011. Sau đó đến năm 2015, Thủ tướng đã có Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất nhưng đến nay chưa làm được. Một số bộ, ngành đã di dời đều lấy đất để làm cơ sở 2 nhưng vẫn giữ trụ sỡ cũ vì còn thời hạn giao đất theo Luật Đất đai.
“Do đó, Hà Nội rất cần một cơ chế đặc thù để có thể sớm thu hồi đất sau khi các đơn vị di dời để thực hiện theo đúng chủ trương của Thủ tướng là xây dựng các không gian xanh và công trình công cộng. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có giải pháp cân đối ngân sách cho các bộ ngành nhằm để các đơn vị có đủ nguồn lực sớm xây dựng trụ sở mới” - ông Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Nhằm tạo điều kiện cho các bộ, ngành di dời trụ sở, Hà Nội đã xác định sẵn vị trí đất tại quy hoạch phân khu. Điển hình, bố trí các lô đất có ký hiệu D2, D3 và E, có diện tích khoảng 35ha trong Quy hoạch chi tiết Khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây làm khu vực tập trung trụ sở 12 bộ, ngành. Đây là khu vực được quy hoạch đồng bộ hạ tầng và nhà ở.
Do đó, để việc di dời đạt mục tiêu “kép”, ngoài việc xây dựng các trụ sở, cần đẩy mạnh phát triển quỹ nhà và có những ưu đãi về chính sách nhà ở dành cho cán bộ viên chức làm việc tại khu vực này. Khi đó sẽ vừa kéo giãn dân khỏi đô thị lõi, vừa giải được bài toán ách tắc giao thông khi một lượng lớn người tập trung về đây làm việc, giao dịch thủ tục hành chính.
Việc thực hiện di dời các cơ quan bộ, ngành tại khu vực nội thành theo định hướng QHC1259 và Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng còn chậm và chưa đồng bộ, do có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách. Vì vậy, việc kiểm soát quỹ đất sau khi di dời để xây dựng những công trình hạ tầng xã hội như công viên cây xanh, trường học các cấp, bãi đỗ xe, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khác gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần