Theo ông Nguyễn Hoài Nam, phần trả lời chất vấn của UBND TP đã làm rõ được những yêu cầu mà các đại biểu đặt ra. Vậy đối với phần trả lời của Giám đốc Sở Quy hoạch& Kiến trúc (QH&KT) về quy hoạch xung quanh Hồ Gươm, một số dự án xây dựng phá vỡ giao thông tĩnh, ông có ý kiến gì? - Sau khi Quyết định 1259/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội có 37 quy hoạch chuyên ngành và 37 phân khu. Tuy nhiên, quy hoạch khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận vẫn chưa hoàn thiện. Đây là địa điểm nhạy cảm, là di sản của cả nước. Giám đốc Sở QH&KT cho biết đang xin ý kiến rộng rãi. Chính vì thế, khi có thông tin về công trình tại 22-32 Lê Thái Tổ cuối năm sẽ khởi công, tôi đã chất vấn, nếu chưa có quy hoạch thì căn cứ nào để phê duyệt. Và Giám đốc Sở QH&KT chính thức trả lời chưa có quy hoạch, cũng như chưa có phê duyệt chi tiết dự án này. Còn nội dung 2 biệt thự nhóm 2 nằm trong khu đó thì ứng xử như thế nào thì chưa được trả lời. Và trách nhiệm của đại biểu là giám sát, theo dõi, vì theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị quyết của đã được HĐND TP thông qua, những biệt thự đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bắt buộc chúng ta phải tuân thủ, với nhóm 2 chỉ có thể sửa sang nhưng mật độ xây dựng và quy hoạch kiến trúc xung quanh phải giữ nguyên. Đây mới là buổi giám sát đầu tiên và chuẩn bị cho tái giám sát, cần nữa thì chúng tôi sẽ yêu cầu giải trình tại phiên giải trình giữa 2 kỳ họp.
![]() đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội |
Thưa ông, Sở QH&KT có báo cáo trực tiếp với HĐND TP 26 dự án thuộc diện di dời với 45ha đất trong vùng nội đô lịch sử, ông có bất ngờ trước thông tin này không? - Trong báo cáo trả lời chưa nói tới số liệu, chưa nắm được diện tích, số lượng các cơ sở phải di dời, nhưng đúng ra vấn đề này phải thường xuyên cập nhật. Chính vì thế chúng tôi chất vấn và Giám đốc Sở QH&KT đã cung cấp ngay có 26 dự án thuộc diện di dời với 45ha đất, có phân bổ theo Quyết định 30/QĐ - TTg của Thủ tướng, cũng như yêu cầu của Luật Thủ đô phải dành diện tích thích đáng cho công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh… Nhưng quan trọng nhất, theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99/NĐ - CP, trừ những chỗ tái thiết là xây dựng lại, cải tạo lại chung cư cũ thì không phải báo cáo HĐND TP. Còn nếu phê duyệt dự án di dời ở những nơi nằm trong nội đô lịch sử (4 quận nội đô cũ của TP) thì bắt buộc phải báo cáo HĐND TP và trình Thủ tướng. Sở mới báo cáo thế, còn sau này trách nhiệm thuộc UBND TP sẽ báo cáo. Thế còn dự án đã được lập thành nhà ở mà chưa báo HĐND TP thì xử lý như thế nào, thưa ông? - Vấn đề này trong quy định của Nghị định 99/NĐ- CP đã quy định rất rõ, UBND TP phải báo cáo cụ thể theo yêu cầu của Ban Pháp chế. Tức là, dự án đó là dự án nào, thời điểm nào thì mới có thể kết luận UBND TP đã thực hiện đúng chưa. Hiện nay mới báo cáo về mặt số liệu, thời điểm và ứng xử từng thời điểm thì sẽ căn cứ theo Nghị định 99 về quy định chuyển tiếp. Xin cảm ơn ông!