Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Kỳ vọng về diện mạo mới cho Hà Nội

Nguyễn Đăng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nửa đầu tháng 1/2022, TP sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, hoàn thành phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn sẽ mang đến kỳ vọng về diện mạo mới cho Thủ đô.

Trục không gian cảnh quan trung tâm thành phố

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm TP, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô.

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) Phạm Xuân Tứ, từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có quy hoạch chi tiết một số phường khu vực sông Hồng, trong đó đề xuất việc xây dựng dọc theo bờ sông.

Sông Hồng đoạn chảy qua khu vực Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sông Hồng đoạn chảy qua khu vực Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, các địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc bị người dân lấn chiếm, xuất hiện tình trạng xây dựng lộn xộn, không có không gian cảnh quan ở mặt sông Hồng. Vấn đề giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác lại càng nhức nhối hơn. Vì vậy, từ năm 2005, Hà Nội muốn xây dựng đô thị dọc hai bờ sông, nhưng với tình hình kinh tế lúc bấy giờ chưa thể thực hiện.

Tháng 3/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha, thuộc địa bàn 55 phường, xã của 13 quận, huyện; quy mô dân số 280.000 - 320.000 người.

Tổng hợp đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng kỳ vọng hướng đến những mục tiêu lớn khác như phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông; Phát triển hệ thống giao thông đường bộ ven sông kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3 của đô thị trung tâm; Chỉnh trị đường dẫn giao thông thủy, bến cảng nhằm giảm áp lực giao thông cho nội đô, tạo động lực phát triển khu vực…

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đồ án này tạo điều kiện để Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phát triển trước đây, hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế rất cao, để tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng.

Cần sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan

Việc sớm thông qua Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là rất cần thiết, đem lại nhiều lợi ích khi đưa sông Hồng trở thành trục không gian đô thị xanh của Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, để sớm phê duyệt được quy hoạch này, các chuyên gia cho rằng cần sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của Hà Nội mà của cả các bộ, ngành liên quan.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành liên quan đến hoạt động xây dựng, nhà ở, đầu tư... Hiện nay, các pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai đang được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm và yêu cầu các bộ, ngành rà soát, phát hiện vướng mắc, khó khăn, để gấp rút sửa đổi trong giai đoạn tới. Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản thời gian tới, nhất là trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án.

Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, để hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng cần cập nhật cơ sở nền tảng pháp lý mới ban hành mà gần đây nhất là ý kiến của cơ quan chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) để tiến hành lập quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu.

Việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng tạo ra nhiều lợi thế khi mở ra trục kết nối phía Đông với những tiềm năng cần khai thác để hướng tới cực tăng trưởng phía Bắc và phía Đông.

KTS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, để thực hiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sẽ di dời các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Từng bước di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn. Các khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha, được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có (khoảng 60ha) để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.

 

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ hướng ra sông, sông Hồng sẽ là trung tâm; Hai bên là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, ở đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông, thực hiện đầu tư, xây dựng đồng bộ về hạ tầng để trở thành động lực phát triển.