Người Việt Nam vẫn có câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng” để chỉ về những lợi thế khi chọn vị trí định cư, phát triển cuộc sống lâu dài và bền vững. Chính vì vậy, các đô thị thường được gắn với những dòng sông. Nhìn rộng ra, điều này cũng đúng với phần lớn các đô thị trên thế giới bởi quá trình tạo "thị" gắn liền với cung ứng nguồn nước sinh hoạt, cũng như góp phần đáng kể vào giao thông đô thị thông qua các phương tiện vận tải thủy lợi dụng sức nước, sức gió của các dòng chảy.Các TP trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn gắn liền sự phát triển với một dòng sông, dù lớn hay dù nhỏ và tạo nên một thương hiệu kép giữa sông và TP. Nghĩa là khi nhắc đến TP, người ta sẽ nhắc đến con sông gắn liền với TP đó và ngược lại. Dòng sông trở thành “xương sống” để phát triển các không gian đô thị cũng như chi phối mạnh mẽ hình thái đô thị. Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Sông Hồng, bắt nguồn từ vùng núi cao phía Bắc, với nhiều TP xuôi theo dòng chảy từ (Tây) Bắc về (Đông) Nam nhưng con sông này lại gắn chặt tên mình với Hà Nội, một đô thị lớn và lâu đời của Việt Nam. Hà Nội nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Hà Nội - “bên trong sông” - bắt đầu được dùng làm địa danh ở Việt Nam từ năm 1831 phản ánh vị trí địa lý của TP khi nằm giữa hai con sông là sông Hồng ở phía Đông Bắc và sông Đáy ở phía Tây Nam.Sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp, có mùa mưa, mùa lũ cùng với hệ thống đê chống lũ, dẫn đến việc khó phát triển cảnh quan ven sông của Hà Nội. Lịch sử phát triển không gian TP cũng cho thấy, bởi những lý do trên cùng với việc đề phòng ngoại xâm phương Bắc, Hà Nội mở rộng diện tích đô thị chủ yếu trên bờ phía Nam của dòng sông, còn phía bờ Bắc mờ nhạt hơn rất nhiều, thay vì kịch bản cân bằng hai bờ nghĩa là dòng sông chia đôi đô thị như thường thấy ở các TP khác. Điều này vô tình đã làm người Hà Nội “quay lưng” lại với sông Hồng theo cả nghĩa đen khi sông Hồng bị ngăn cách với TP bởi con đê lớn, lẫn nghĩa bóng khi việc phát triển không gian đô thị không hướng ra sông.Minh bạch quỹ đất sau quy hoạchVới sự xuất hiện của một loạt các nhà máy thủy điện của Trung Quốc ở đầu nguồn và ba nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam trên hệ thống sông Hồng, vấn đề lũ lụt giờ đây phần nào đã được khống chế, kiểm soát, thậm chí còn gây hiệu ứng ngược khi dòng sông đã có thời gian lâm vào khô hạn do việc tích nước của hàng loạt các nhà mày thủy điện này. Và cũng chính từ đó, người ta đã “phát hiện” ra một quỹ đất rất lớn nằm ven sông - khu vực nằm giữa đê hiện tại và giới hạn hành lang thoát lũ. Việc tận dụng đất ven sông Hồng để bổ sung một lượng đất đô thị cho Hà Nội là một chiến lược đúng. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần bàn là sẽ làm gì với quỹ đất phát sinh quý giá đó? Hẳn nhiên, với suy nghĩ thông thường thì đất quý phải dành cho việc xây dựng nhà (ở). Trong khi đó, vấn đề nhà ở Hà Nội hiện nay, tuy vẫn tồn tại nhưng không còn là quan trọng nếu so với một loạt các vấn đề không gian đô thị khác mà Thủ đô đang đối mặt như thiếu không gian mở, không gian cây xanh tự nhiên trong đô thị do lịch sử để lại tương đối hạn hẹp về diện tích, mờ nhạt về vai trò trong đời sống.Đất phù sa sông Hồng là loại đất có thành phần tương đối tốt cho việc trồng trọt. Mặt khác, đứng về góc độ phong thủy, mặt nước ven sông là hành lang điều tiết các vấn đề khí hậu trong đô thị, giúp lưu thông không khí, gió, ánh nắng, tạo sinh khí cho đô thị phát triển. Thêm vào đó, dòng sông cũng lưu trữ nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống. Nếu bây giờ chúng ta xây dựng hàng loạt nhà cao tầng lên đó, vô hình trung đã vùi lấp phần nào những giá trị lịch sử, cảnh quan đặc trưng của dòng sông để chạy theo những giá trị kinh tế hiện đại, đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn.Rõ ràng, đất để xây nhà thì Hà Nội không thiếu nhưng đất để giúp Hà Nội trở thành một TP thực sự “xanh - sạch - đẹp” thì lại đang thiếu. Với những đặc tính của quỹ đất ven sông, nên chăng, hai bên sông Hồng sẽ là những khu vực xanh bởi nhiều hình thức xanh khác nhau. Chẳng hạn, thứ nhất là các khu ở thấp tầng kiểu nhà vườn mà ở đó hẳn nhiên tỷ lệ vườn nhiều hơn tỷ lệ nhà và việc hạn chế số tầng cao sẽ giúp cho TP hiện hữu kết nối với dòng sông dễ dàng hơn. Thứ hai, đó là các công viên nông nghiệp vừa kết hợp giữa tính chất giải trí, nghỉ ngơi của công viên, vừa giúp tăng màu xanh và tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng độ màu mỡ của đất đai, đồng thời cung ứng tại chỗ các nguồn nông sản sạch. Thứ ba, đó là các không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời, picnic, dã ngoại kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ tiện ích nhằm giúp người dân có thể “đổi gió” cuộc sống của mình ngay trong lòng TP. Cuối cùng, đó là các khu vực dịch vụ giải trí gắn liền với cây xanh và mặt nước ven sông, tạo nên đặc trưng riêng cho TP trong phát triển du lịch cũng như làm nổi bật hơn vai trò của sông Hồng...Để đạt được mục tiêu này, TP cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc cần đứng ra đảm nhận trọng trách xây dựng quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng, thay vì là giao cho các DN thực hiện như trong quá khứ. Nói cách khác, việc quy hoạch này phải do Nhà nước làm một cách thận trọng, cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các nhà chuyên môn công tâm, tâm huyết với sự phát triển của TP. Chủ đầu tư siêu dự án này nên là chính quyền TP để tránh tình trạng các DN “cài cắm” những ý đồ riêng của mình thông qua việc khai thác triệt để giá trị kinh tế đất đai khổng lồ, dẫn đến nguy cơ TP khó có thể sửa sai trong tương lai. Với vị thế của mình, Hà Nội hãy trở thành một trường hợp thí điểm điển hình trong việc công khai minh bạch quỹ đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp phù hợp, hướng đến phục vụ lợi ích cộng đồng. Nói cách khác, thông qua việc quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông Hồng, TP cần phải đặt lợi ích chung của người dân đô thị, của sự phát triển bền vững Thủ đô lên trên hết. Và vấn đề lớn này cần phải đưa ra trưng cầu Nhân dân, phải công khai, minh bạch và cần đánh giá tại các hội đồng khoa học lớn gồm các chuyên gia quy hoạch đô thị, môi trường…
Hà Nội cũng không nên nhận tài trợ từ các nguồn lực tư nhân để lập quy hoạch, triển khai dự án, mà nên tổ chức đấu giá đất đai sau quy hoạch để bù đắp lại các chi phí đã bỏ ra. Ở dự án này, chưa thấy DN nào muốn làm chủ đầu tư toàn dự án nhưng nếu có cũng không nên chấp thuận. |