Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị: Vượt chướng ngại vật dữ liệu

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ví von của giới chuyên gia quy hoạch, việc khai thác không gian ngầm (KGN) đô thị hiện nay ở Việt Nam giống như khám chữa bệnh cách đây 20 năm.

Nghĩa là, chỉ thiên về “sờ, khám” chứ chưa có chụp CT, cắt lớp… Nếu không có quy hoạch bài bản, không rõ phía dưới mặt đất có gì thì tình trạng mò mẫm còn kéo dài.

Đã có hình hài nhưng cục bộ?

Câu chuyện tận dụng KGN của Hà Nội đã được đặt ra từ lâu, cụ thể nhất là việc chấp thuận chủ trương cho xây dựng các bãi giữ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại ở một số vị trí thuộc khu vực trung tâm. Trong phát triển đô thị vừa qua, cũng có không ít khu đô thị mới quan tâm đến bố trí các loại công trình (cấp nước, điện, thông tin…) dưới lòng đất. Đồng thời, tiến hành đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại sầm uất dưới lòng đất như dự án như Royal City, Trung tâm thương mại Vincom. Tuy nhiên, nhìn chung đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị. Việc thiếu quy hoạch không gian ngầm kéo theo sự phát triển các tuyến metro ngầm ít nhiều bị ảnh hưởng. Rõ ràng nếu chậm quy hoạch KGN sẽ dẫn tới manh mún và trả giá rất đắt. Hàng loạt trung tâm thương mại không gắn được với các nhà ga; hệ thống thoát nước chồng chéo và đầy rẫy đường ống dưới đất mà không có quy hoạch. Chậm quy hoạch còn kéo theo phải GPMB rất tốn kém khi xây dựng công trình ngầm. Với thực tế như vậy, việc quản lý phần không gian này cũng thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa có định hướng tổng thể.

Hầm đường bộ Trung Hòa, quận Cầu Giấy.      Ảnh: Chiến Công

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, với các đô thị nén, đa cực, đã có quá trình lịch sử phát triển như Hà Nội thì khai thác KGN cho cải tạo, tái thiết là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Khi đã là xu thế, rất cần có định hướng và công cụ quản lý. “Quy hoạch KGN là bước đi cần thiết đầu tiên cần xác lập. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt, chúng ta đã đặt vấn đề và có kế hoạch lập quy hoạch KGN Hà Nội. Song đây là loại hình quy hoạch mới liên quan đến đa ngành chịu tác động của không gian trên mặt đất và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có những phương án có bước đi thích hợp, lựa chọn bài học kinh nghiệm của nước ngoài và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại” – ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Phải trả lời được dưới mặt đất có gì?

Nội dung quy hoạch chung KGN đã được thể chế hóa cùng với Luật Quy hoạch đô thị, song trình tự triển khai, lựa chọn quy hoạch ưu tiên cần được các nhà quản lý xem xét để phù hợp với giai đoạn phát triển. Chuyên viên Công ty Nikken Sekkei Civil Nguyễn Công Giang phân tích, việc thiếu các cơ sở dữ liệu về hiện trạng không gian bên dưới mặt đất như địa chất, thủy văn, số lượng công trình, vị trí công trình… chính là “chướng ngại vật” lớn nhất của quy hoạch KGN ở Hà Nội. "Chúng ta nắm khá rõ trên mặt đất có gì để “cao hóa” nhưng lại chẳng biết phía dưới có gì. Ngay cả các ngành quản lý cụ thể cũng chẳng đủ hồ sơ, vì nhiều công trình hạ tầng đã được sử dụng rất lâu, từ thời Pháp thuộc. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp để các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức khảo sát, đánh giá đầy đủ hiện trạng không gian bên dưới mặt đất, như vậy mới có cơ sở để lập quy hoạch" - ông Nguyễn Công Giang nói.
 Hầm đường bộ trên Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Chung quan điểm, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để thực hiện quy hoạch KGN Hà Nội, trước mắt cần phải tổng hợp đánh giá hiện trạng về xây dựng công trình trên mặt đất và KGN cục bộ đã có. Đánh giá đúng điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, thủy văn. Đây là thách thức lớn cần điều tra, nghiên cứu với phương pháp khoa học. Nhiều KGN còn hồ sơ lưu trữ như mạng lưới cống ngầm xây dựng từ thời Pháp thuộc, hay cải tạo xây dựng mới gần đây, mạng lưới ngầm đường dây cáp điện, thông tin hoặc KGN của một số công trình đã xây dựng trên mặt đất. Song cũng còn không ít KGN cần điều tra, tổng hợp. Làm tốt được công đoạn này không chỉ cần phối hợp từ các ngành, cơ quan lưu trữ mà còn cần sự tham gia của các chủ đầu tư, chủ sở hữu.

Ông Đào Ngọc Nghiêm khuyến nghị, các cơ quan chuyên môn cần sớm tổ chức nghiên cứu để đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách liên quan. Cụ thể như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh, chính sách hỗ trợ, ưu đãi một số loại KGN để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng KGN cấp bách như bãi đỗ xe ngầm, công trình đầu mối kỹ thuật ngầm hào kỹ thuật ngầm... "Xây dựng được đồng bộ về cơ chế chính sách về KGN là tạo nguồn lực để quy hoạch KGN có tính thực tiễn” - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Giả định khi tất cá các yêu cầu về quy hoạch, kết nối liên hoàn, tương thích được đảm bảo, việc không gian ngầm Hà Nội đi vào hoạt động ổn định là khả thi. Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cho rằng, điều này sẽ giúp thị trường bất động sản có thêm một mảng sản phẩm hoàn toàn mới - các mặt bằng không gian kinh doanh ngầm dưới lòng đất, tạo thêm sự sôi động cho thị trường.

Trong quy hoạch và triển khai các tuyến tàu điện ngầm Hà Nội, nổi bật nhất là tuyến đường sắt số 2. Giai đoạn 1 dự án là đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, có chiều dài 11,5km, gồm 10 nhà ga, trong đó có 8,5km tàu điện sẽ đi ngầm qua các khu vực trung tâm TP như Sân vận động Quần Ngựa, Hồ Tây, phố cổ, hồ Hoàn Kiếm...

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hiện đã khá đồng bộ song rất cần cụ thể hóa về xây dựng ngầm để tạo lập căn cứ pháp lý cho quản lý xây dựng theo quy hoạch. Để làm được, rất cần Bộ Xây dựng và các bộ có chuyên ngành xây dựng công nghệ ngầm phối hợp để sớm ban hành. Quy trình hợp lý là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển không mâu thuẫn với định hướng lâu dài.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS

Đào Ngọc Nghiêm