Quy hoạch quản lý báo chí: Vì một nền báo chí chuyên nghiệp

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo chí phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu cũng như không để nhóm lợi ích chi phối.

Cần tinh không cần đa
Nói về sự cần thiết của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải có quy hoạch để bảo đảm phát triển đúng định hướng. Quy hoạch báo chí nằm trong tổng thể quy hoạch chung của cả nước.
Quy hoạch báo chí được xây dựng, trước hết xuất phát từ thực trạng báo chí hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ khắc phục tình trạng lãng phí, chúng ta muốn vươn tới xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Xây dựng các cơ quan báo chí của Việt Nam mang tầm quốc gia, khu vực chứ không phải nhiều cơ quan báo chí nhưng không mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo.
Thứ hai, Quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa khoản 5 Điều 17 Luật Báo chí, quy định về điều kiện cấp phép phù hợp với quy hoạch. Cho nên, Chính phủ phải ban hành quy hoạch này.
Thứ ba, xu thế phát triển khoa học công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm báo, thay đổi độc giả và công chúng tiếp cận báo chí, cái này đòi hỏi báo chí phải thay đổi.
Thứ tư, hiện nay chúng ta đang thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Báo chí là đơn vị sự nghiệp nằm trong hệ thống đó nên cũng phải thực hiện việc này.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết thêm, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động báo chí đã có tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của báo chí, của khoa học công nghệ như hiện nay, đôi khi có những văn bản vừa mới ban hành ra đã xuất hiện sự không phù hợp với hiện tại.
Chẳng hạn như Luật báo chí vừa mới ban hành 2016 bắt đầu đã có biểu hiện lạc hậu. Có những cái chúng ta chưa quy định rõ ràng, chẳng hạn như: Tạp chí điện tử là như thế nào, báo điện tử là như thế nào, những quy định trong nội dung liên kết sản xuất chương trình là như thế nào... chúng ta có quy định đó nhưng chưa rõ ràng. Cho nên có hiện tượng lách luật, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, Thứ trưởng nói.
Cùng với đó, Quy hoạch báo chí cũng nhằm không để lợi ích nhóm chi phối báo chí. Báo chí của chúng ta là báo chí của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, mục tiêu lớn nhất là phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Trong thực tiễn đã có hiện tượng lợi dụng báo chí để đạt được mục đích của nhóm lợi ích, ví dụ cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp mượn báo chí, thông qua báo chí phá doanh nghiệp cạnh tranh, phê phán doanh nghiệp kia nhưng trong thực tế không đến mức như thế. Báo chí của chúng ta phục vụ nhân dân, nên không thể có một nền báo chí nào để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào mà không mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ, chúng ta xây dựng quy hoạch này để khắc phục cấp phép tràn lan. Vì trước đây chúng ta không có quy hoạch, mà trong điều lệ của các hội đều có cơ quan báo chí, họ xin cấp phép là Bộ TT&TT phải cấp. Với định hướng quy hoạch rõ ràng. Bộ sẽ điều chỉnh lại nội dung ghi trong giấy phép, ví dụ như tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ phải rất rõ ràng. Phân biệt rõ tạp chí điện tử, báo điện tử để không nhầm lẫn, tránh tình trạng báo hóa tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp hóa báo điện tử.
Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo quan trọng nhất
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ, Bộ TT&TT đang đề xuất tới đây sửa đổi luật báo chí. Và hiện đang sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính, những hành vi vi phạm, mức phạt làm sao để đủ chế tài. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, các quy định pháp luật dù thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Bởi vì những người làm báo nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì dễ dẫn đến những tai hại khôn lường.
Trong thời gian vừa qua, các sai phạm của báo chí thường tập trung vào các báo của một số tổ chức hội. Một trong những lý do là báo của hội phản ảnh sai tôn chỉ mục đích, nói tất cả những vấn đề khác, vấn đề của hội mình không nói, do đó phải đưa về tạp chí. Tạp chí chỉ tập trung nghiên cứu và thông tin những hoạt động của hội đó thì sẽ phù hợp hơn. Nếu để tình trạng như hiện nay thì bản thân uy tín của các hội, cơ quan chủ quản cũng bị giảm sút.
Vừa qua, nguy cơ mạng xã hội vượt mặt báo chí, là có thật. Tuy nhiên theo Thứ trưởng, chúng ta cũng không nên nhìn nhận mạng xã hội tiêu cực quá. Bản thân mạng xã hội cũng có rất nhiều yếu tố tích cực. Tích cực hay tiêu cực là do thái độ, cái tâm của người tham gia mạng xã hội. Báo chí không sợ mạng xã hội vượt mặt nếu báo chí làm đúng chức năng của mình. Vì báo chí có vai trò rất lớn là định hướng thông tin. Muốn định hướng thông tin thì báo chí không thể thông tin tùy tiện như mạng xã hội. Mạng xã hội mỗi người nhìn một góc, họ nhìn thế nào họ bình luận như thế. Khác với mạng xã hội là báo chí phải thẩm định thông tin phải trung thực, chính xác. Từ thông tin đó đưa ra bản chất vấn đề đó là gì.
Trong các cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần, Lãnh đạo Bộ TT&TT thường xuyên nhắc nhở các tổng biên tập là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực. Vì có hiện tượng phóng viên gần như không đến thực tế, bị mạng cuốn đi. Đấy là trách nhiệm của tổng biên tập. Trong thực tế báo chí đôi lúc tiếp tay cho mạng xã hội, đưa thông tin không chuẩn xác.